Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Ngày 23/12, tại Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự Hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La và lãnh đạo 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề: Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục ở đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; quy hoạch phát triển các cơ sở giáo dục; nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc, bài học kinh nghiệm từ đó thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những năm qua, các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Các chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, thực hiện các mục tiêu về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ quan tâm; quy mô học sinh, các loại hình trường lớp phát triển ổn định, đa dạng, phù hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, như: Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tối thiểu; việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học một số nơi chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa bảo đảm môi trường học tập cho trẻ em, học sinh.
Triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, các tỉnh đã đề ra nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, xác định: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững vùng. Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông trung học bán trú, trường phổ thông trung học nội trú và trường dự bị đại học. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các trường đại học trong vùng…
Đồng chí Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách mang tính tích hợp, đột phá phát triển giáo dục; quan tâm đến việc bảo đảm số lượng, chất lượng giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, mục tiêu đến năm 2030 không còn trường tạm, lớp tạm.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị chủ động rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh. Chú trọng việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà, ưu tiên phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, để bà con áp dụng kiến thức vào phát triển kinh tế, xã hội.
Ý kiến ()