Hội nghị Ngoại trưởng G7: Cần hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza
Ngày 8-11, kết thúc phiên họp cuối cùng của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), các bên đã nhất trí thông qua tuyên bố chung, trong đó đề cập nhiều nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Theo Kyodo News, một trong những điểm được coi là thành công của hội nghị lần này là việc các bên nhất trí ra tuyên bố chung thể hiện “lập trường thống nhất” của G7 về cuộc xung đột ở Trung Đông. Cụ thể, tuyên bố chung kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo tại Gaza”-thay vì một lệnh ngừng bắn hoàn toàn-để cho phép đưa viện trợ vào khu vực bị bao vây.
Đây là tuyên bố thứ hai do G7 đưa ra về vấn đề này kể từ khi xung đột bùng phát giữa tổ chức Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ngày 7-10. Trước đó, tuyên bố đầu tiên được đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 ngày 12-10 đề cập khá chung chung về cuộc xung đột Israel-Hamas, trong đó G7 lên án cuộc tấn công của Hamas và bày tỏ tình đoàn kết với người dân Israel.
Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Tokyo (Nhật Bản), ngày 8-11. Ảnh: Reuters |
Còn trong tuyên bố chung lần này, bên cạnh việc lên án các cuộc tấn công, kêu gọi thả con tin ngay lập tức, G7 nhấn mạnh “sự cần thiết phải có hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng trầm trọng ở Gaza”; kêu gọi các bên cho phép hoạt động viện trợ nhân đạo; kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, bảo vệ dân thường, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Là nước chủ nhà của hội nghị G7 năm nay, cũng là một đồng minh thân cận của Washington, Tokyo đang rơi vào thế khó. Reuters nhận định, trong khi Mỹ công khai ủng hộ Israel thì Nhật Bản lại theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng với các quốc gia Trung Đông, bởi một lý do rất dễ hiểu: Tokyo phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông.
Liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 nêu rõ cam kết “sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào cần thiết”; cam kết hỗ trợ quá trình phục hồi và tái thiết Ukraine trong hiện tại, trung và dài hạn. Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc trước những thách thức toàn cầu, trong bối cảnh cường quốc châu Á này đang gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự và kinh tế trong khu vực. Song song với đó, G7 đang nỗ lực hướng tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, thịnh vượng, an toàn, dựa trên luật pháp quốc tế và bảo vệ các nguyên tắc chung; tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với tính trung tâm và thống nhất của ASEAN.
Trong một động thái đáng chú ý, chiều 8-11 còn diễn ra phiên họp mở rộng theo hình thức trực tuyến giữa các Ngoại trưởng G7 với Ngoại trưởng 5 nước Trung Á gồm: Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Đài Truyền hình Nhật Bản NHK dẫn lời Ngoại trưởng Kamikawa cho hay, “Trung Á là một đối tác quan trọng trong việc duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền”. Tokyo đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản và các nước Trung Á vào năm tới.
Theo The Japan Times, sự tập trung ngày càng tăng của G7 vào Trung Á được cho là báo hiệu xu hướng khối này đang tăng cường xây dựng mối quan hệ với khu vực giàu năng lượng, mặt khác, góp phần làm suy yếu quan hệ truyền thống giữa các nước Trung Á với Nga.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hoi-nghi-ngoai-truong-g7-can-hanh-dong-khan-cap-de-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-nhan-dao-o-gaza-750620
Ý kiến ()