Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và Hội nghị Tham tán Thương mại 2013
Sáng 17-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Bộ Ngoại giao đã phối hợp Bộ Công thương tổ chức Phiên họp chung với Hội nghị Tham tán Thương mại với chủ đề "Hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại".
Sáng 17-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Bộ Ngoại giao đã phối hợp Bộ Công thương tổ chức Phiên họp chung với Hội nghị Tham tán Thương mại với chủ đề “Hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và địa phương, các Ðại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Tham tán – Ðại diện Thương mại, cán bộ chủ chốt của các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và đại diện một số doanh nghiệp.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Trong ba năm qua, vượt qua nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu, thiên tai, lũ lụt, với nỗ lực của các cấp, các ngành, nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, có được những thành quả to lớn là nhờ nỗ lực phát huy nội lực của toàn dân tộc, nhân tố có ý nghĩa quyết định, đồng thời có đóng góp quan trọng của hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt và hiệu quả đường lối đối ngoại của Ðại hội Ðảng XI và Nghị quyết 22- NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế để phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015. Thủ tướng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại có vai trò quan trọng giúp mở thị trường, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và ổn định kinh tế-xã hội; cần tranh thủ các cam kết quốc tế và thỏa thuận thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng các thị trường truyền thống, các mặt hàng chủ lực (nông sản, dệt may, da giày…); đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong đàm phán FTA, đặc biệt là TPP, FTA với Liên hiệp châu Âu (EU), Liên minh thuế quan Nga – Ca-dắc-xtan – Bê-la-rút; đẩy mạnh thu hút FDI gắn với thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; ưu tiên thu hút ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nghèo. Ngoài ra, hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại cần tiếp tục thu hút kiều hối, mở rộng hợp tác lao động, du lịch…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy thành tựu của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng, an ninh để củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ ủng hộ quốc tế, nâng cao vị thế đất nước; tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ, giao lưu nhân dân; làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; kiện toàn tổ chức, bộ máy trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu triển khai hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp sớm xây dựng và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và các kế hoạch thực hiện cụ thể.
Theo Nhandan
Ý kiến ()