Hội nghị Ngoại giao 31: Phiên họp toàn thể về xây dựng ngành
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu một số định hướng cho ngành như nền ngoại giao “toàn diện” phải phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trên những lĩnh vực truyền thống và cả những lĩnh vực mới nổi…
Ngày 18/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Phiên họp toàn thể về xây dựng Ngành được tổ chức trọng thể với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.”
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự Phiên họp có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ.
Trong phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Phiên họp toàn thể lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Ngoại giao bởi xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao luôn là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của ngành Ngoại giao trên mặt trận đối ngoại.
Trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, từ những kết quả, kinh nghiệm, bài học trong thời gian qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất một số vấn đề thảo luận như tính toàn diện, tính hiện đại của ngoại giao Việt Nam; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp về thúc đẩy triển khai đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, y tế và cơ chế phối hợp giữa ngành Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan trong các lĩnh vực trên; phương hướng, giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy, khuôn khổ thể chế, pháp luật, phương thức vận hành của ngành Ngoại giao, cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại, hướng tới một ngành Ngoại giao hiện đại, chuyên nghiệp; giải pháp cụ thể về đổi mới tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, luân chuyển, đãi ngộ cán bộ, trên cơ sở vận dụng cơ chế, chính sách chung của Đảng và Nhà nước phù hợp với đặc thù của ngành Ngoại giao và yêu cầu công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao trong những năm qua trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế quan trọng theo xu hướng chung của thế giới như môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, khoa học công nghệ…; cùng với đó là những đóng góp và vị thế quan trọng của ngành Ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Phiên họp khẳng định sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong triển khai các mảng ngoại giao theo lĩnh vực nói riêng và công tác xây dựng và phát triển ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại nói riêng trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc – đã nêu rõ đường lối, phương hướng, nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp nhằm xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, tiên phong, hiện đại.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã nêu một số định hướng cho ngành Ngoại giao. Theo đó, nền ngoại giao “toàn diện” phải phát huy được vai trò, vị thế của Việt Nam trên những lĩnh vực truyền thống và cả những lĩnh vực mới nổi lên, phải cải tiến phương thức hoạt động hiệu quả hơn và huy động được sự tham gia thiết thực của nhiều chủ thể hơn nữa.
Một nền ngoại giao hiện đại phải có bộ máy tinh gọn, cơ chế vận hành khoa học, hiệu quả, thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, đẩy mạnh chuyển đổi số, năng lực đổi mới sáng tạo cao; có đội ngũ cán bộ trung thành với lý tưởng của Đảng, luôn đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc lên ưu tiên cao nhất, có năng lực ngang tầm khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đảng định vị đối ngoại là mũi nhọn tiên phong trong việc tạo lập và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Ngành Ngoại giao, với vai trò là lực lượng nòng cốt của ngoại giao Nhà nước, phải phát huy được vai trò khai phá, mở đường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Trước yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bên cạnh những vấn đề chính trị, an ninh, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Ngoại giao cần tăng cường tham mưu về các xu thế phát triển lớn của thế giới, phát huy tối đa vai trò “radar” tìm kiếm những nguồn lực từ bên ngoài, là cầu nối gắn kết những xu thế phát triển và nguồn lực đó với những kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội trong nước và là chỗ dựa thường trực, vững chắc và đáng tin cậy cho những công ty, tập đoàn, doanh nghiệp, người lao động Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề như sớm xác định nội hàm ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, có định hướng gắn kết, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hội nhập quốc tế hiệu quả, tranh thủ cơ hội, góp phần thiết thực phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục tăng cường phát hiện, phát triển những lĩnh vực hợp tác mới để gắn kết hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, hình thành nên sức mạnh cộng hưởng của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc triển khai nhiệm vụ đối ngoại; phát huy hơn nữa vai trò kết nối của các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài với các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu áp dụng những mô hình mới phù hợp với thông lệ quốc tế như Đại sứ lưu động theo lĩnh vực quan trọng hiện nay như biến đổi khí hậu, y tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo….
Cùng với các kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hỗ trợ Bộ Ngoại giao nghiên cứu, thí điểm những mô hình sáng tạo, đột phá về tổ chức bộ máy, con người phù hợp với yêu cầu đặc thù của công tác đối ngoại và thông lệ quốc tế như hệ thống hàm, cấp ngoại giao với những chế độ đãi ngộ phù hợp như phụ cấp, trợ cấp để tạo động lực cống hiến hơn nữa của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao rà soát, kiến nghị những cơ chế tài chính mới để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đối ngoại thời gian tới, bám sát quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về bố trí ngân sách, về hướng dẫn thi hành đối với một số nội dung đặc thù để xây dựng những kiến nghị phục vụ thiết thực cho công tác đối ngoại.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác trong ứng dụng các thành tựu khoa học, sớm triển khai chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm tin tưởng rằng với tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung của đất nước, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành liên quan sẽ tiếp tục có những đề xuất, cải tiến mới để tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có vai trò, vị thế cao trên trường quốc tế./.
Ý kiến ()