Hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi
Sáng 12-4, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Dự hội nghị có các giáo sư, tiến sĩ, luật sư, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế là thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Ðồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì.
Sáng 12-4, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Dự hội nghị có các giáo sư, tiến sĩ, luật sư, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế là thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Ðồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì.
Tham gia góp ý kiến vào Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng, trong những năm qua, ở nhiều địa phương trong cả nước đang gặp nhiều bất cập, hạn chế trong việc thi hành Luật Ðất đai. Vì vậy, việc sửa đổi luật này và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là một hoạt động rất quan trọng. Ðể việc lấy ý kiến góp ý đạt hiệu quả thiết thực, các cơ quan chức năng cần tiến hành tổng kết việc thi hành luật trong thực tế cuộc sống những năm qua. Trong đó, cần chú trọng nêu rõ thực trạng, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc khiếu kiện về đất đai. Ðồng thời, làm rõ có bao nhiêu phần trăm các vụ khiếu kiện xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhân dân, bao nhiêu phần trăm có nguyên nhân từ những bất cập trong văn bản pháp luật… Ðây sẽ là những cơ sở quan trọng để việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật được tập trung, chính xác và góp phần giải quyết kịp thời những điểm yếu, bất cập. Có ý kiến cho rằng, trong những năm qua, chúng ta mới tập trung CNH, HÐH nông thôn mà chưa chú trọng CNH, HÐH nông nghiệp, cho nên dẫn đến tình trạng mất đất nông nghiệp và vì vậy có những ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nông dân. Cho nên, việc sửa đổi Luật Ðất đai lần này cần tập trung giải quyết thấu đáo tình trạng nêu trên.
Chương VI của Dự thảo luật quy định về Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Hầu hết các ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần khẳng định và nêu rõ: Việc bồi thường, tái định cư cần bảo đảm các điều kiện sinh sống bằng hoặc hơn điều kiện sống của nơi ở trước khi bị thu hồi đất. Bởi hiện nay, có tình trạng nhà tái định cư có chất lượng thấp, người dân bị thu hồi đất không được tạo điều kiện về việc làm và học nghề… Bên cạnh đó, luật cần nêu rõ những nguyên tắc về thu hồi đất để bảo đảm quyền lực của các cơ quan nhà nước và quyền lợi của nhân dân.Một số ý kiến đề nghị: Nên thu hẹp phạm vi thu hồi đất; đồng thời, đối với những mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có mức và phương thức đền bù khác nhau, qua đó vừa bảo đảm lợi ích của người dân, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, vừa sử dụng đất có hiệu quả.
Về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất và đưa ra hai phương án khác nhau. Một số đại biểu đồng ý với phương án khi quy định: Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo nhu cầu của các bên. Có đại biểu đề nghị Ðiều 64 (về thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện) cần làm rõ hơn nữa những trường hợp nào không được tiếp tục giao đất, đồng thời cần có những quyđịnh về việc bảo vệ thành quả đầu tư của người dân trên đất, qua đó sẽ góp phần khuyến khích người dân đầu tư về đất đai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục giao đất cho người sử dụng đất. Ðiều 111 của Dự thảo Luật Ðất đai quy định về Quyền và trách nhiệm của tổ chức tư vấn giá đất. Theo một số đại biểu, đây là một trong những ưu điểm của Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi; tuy nhiên, đề nghị cần có cơ chế để người dân có quyền thuê các tổ chức tư vấn giá đất hoạt động theo quy định của pháp luật.
Về bố cục của Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi, có ý kiến cho rằng, Chương XI quy định về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất có rất nhiều nội dung quan trọng, gắn bó mật thiết với thực tế cuộc sống, thực tế xã hội hiện nay. Vì vậy, cần đưa chương này lên thành Chương II, qua đó khẳng định tầm quan trọng của quyền và nghĩa vụ của người dân đối với việc sử dụng đất.
* Ngày 12-4, tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Thời gian qua, bộ đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội…, về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Tính đến hết tháng 3-2013, bộ đã nhận hơn sáu triệu lượt ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), các ý kiến đóng góp của nhân dân chủ yếu tập trung vào một số nội dung như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tái định cư, cũng như hỗ trợ việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất… Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp, bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Theo Nhandan
Ý kiến ()