Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47
Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 chính thức khai mạc sáng nay, 24-11, tại TP Đà Nẵng. Sự kiện do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp Hiệp hội Ngân hàng ASEAN tổ chức, có sự tham gia của các đoàn đại biểu đến từ các nước ASEAN đại diện cho các ngân hàng thuộc khối ASEAN, gồm Hiệp hội Ngân hàng Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái-lan và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Farid Rahman, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN nhấn mạnh vai trò của của cộng đồng các nước ASEAN trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với những thách thức không nhỏ của nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, hành động vì sự phát triển chung, thể hiện tinh thần muốn trở thành một cộng đồng chung với một bản sắc chung của các nước ASEAN. Nhiều ghi nhận đã được ký kết giữa các ngân hàng trong khối các nước ASEAN, cho thấy sự phát triển, tăng trưởng kinh tế khu vực hơn nữa và với nguyên tắc bao trùm, thịnh vượng và minh bạch cho tất cả người dân các nước ASEAN.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số khía cạnh để các ngân hàng ASEAN cùng hướng tới tăng cường hợp tác, như, các ngân hàng ASEAN cần tiếp tục củng cố cam kết tăng cường hội nhập khu vực tài chính, hình thành kết nối hiệu quả với khối doanh nghiệp trong khu vực; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá đem lại cơ hội lớn cho khu vực khi cùng nhau tiến vào một “sân chơi” mà các ranh giới đã gần như bị xóa nhòa bởi các ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây; tài chính toàn diện đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; các ngân hàng ASEAN cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới cơ chế quản trị điều hành hiệu quả và bền vững, có khả năng chống chọi tốt với các rủi ro và cú sốc để tiếp tục phát huy vai trò cầu nối và chất xúc tác hỗ trợ cho phát triển nền kinh tế khu vực.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập năm 2015. ASEAN hiện được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, với GDP là 2.600 tỷ USD, là thị trường lớn thứ ba với tổng dân số 640 triệu người. ASEAN chiếm 7% thương mại toàn cầu vào năm 2016. Trong đó, gần một phần tư giá trị thương mại của ASEAN là trong khu vực.
Khu vực này cũng đã duy trì được vị trí của mình trong số các điểm đến đầu tư được ưa chuộng, thu hút 5,5% dòng chảy FDI toàn cầu trong cùng năm 2016. Các mối liên kết đầu tư trong khu vực được duy trì mạnh mẽ với kế hoạch đầu tư trong khu vực ASEAN chiếm ¼ tổng lượng FDI.
ASEAN đóng vai trò là một tổ chức đã góp phần vào sự tiến bộ kinh tế này bằng cách cung cấp thị trường ổn định thông qua các quy tắc và khuôn khổ hợp tác đã được thống nhất và bằng cách đưa ra tầm nhìn và định hướng tập trung cho nền kinh tế của khu vực trong tương lai.
Diễn ra trong hai ngày 23 và 24-11, các cuộc họp của Hội nghị lần này đã tập trung thảo luận, bàn bạc nhiều chủ đề, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của ngân hàng các nước trong khu vực, trong đó có phát triển tài chính bền vững, tài chính toàn diện, ứng dụng công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực ngân hàng, đưa ra các sáng kiến hợp tác cùng các kế hoạch hành động triển khai. Đây là cơ hội giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các ngân hàng, các đối tác trong khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()