tle=”Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad trong cuộc họp báo ngày 26/1 tại thủ đô Geneva. (Nguồn: THX/TTXVN)” rel=”photoslide”> Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad trong cuộc họp báo ngày 26/1 tại thủ đô Geneva. (Nguồn: THX/TTXVN) Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, bất đồng lại xuất hiện sau khi các nhà đàm phán của chính phủ Syria đưa ra một tuyên bố bao gồm năm nguyên tắc nhằm bảo vệ chủ quyền của Syria, lựa chọn một hệ thống chính trị mà không có “sự áp đặt công thức” từ nước ngoài, ngăn chặn tài trợ và vận chuyển vũ khí cho phe đối lập và lên án các nhóm “khủng bố.”
Trong khi đó, phái đoàn đại diện của phe đối lập cho rằng các cuộc thảo luận không mang tính xây dựng, đánh lạc hướng yêu cầu thành lập một cơ quan điều hành chuyển tiếp, và thay đổi chủ đề bằng cách nói chuyện về chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, đại diện phe đối lập Rima Fleihan cho biết họ sẽ không từ bỏ cuộc hòa đàm cho dù bị bế tắc và khẳng định sẽ ở lại hội nghị cho đến khi đạt được mục tiêu thành lập một cơ quan điều hành chuyển tiếp.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad cũng khẳng định phái đoàn chính phủ không rời bàn đàm phán và sẽ tiếp tục cuộc thảo luận.
Nhà trung gian hòa giải của Liên hợp quốc Brahimi cho biết đây là ngày đầu tiên của Hội nghị Geneva II bàn về vấn đề chính trị và có lẽ là vấn đề phức tạp nhất. Ông Brahimi không hy vọng có được “một phép lạ” vì đây là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Dấu hiệu tích cực là cả hai bên đều không có ý định hủy bỏ đàm phán và sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 28/1. Một lần nữa, ông Brahimi nhấn mạnh nỗ lực thực hiện mục tiêu của Geneva II nhằm chấm dứt nội chiến và cho phép người dân Syria đạt được mong muốn chính đáng của họ.
Về vấn đề nhân đạo, Thứ trưởng Ngoại giao Syria ngày 26/1 đã tuyên bố phụ nữ và trẻ em có thể rời khỏi thành phố Homs, nếu phe đối lập cho họ một hành lang an toàn để thoát ra ngoài.
Tuy nhiên, ngày 27/1, Hội Chữ thập Đỏ cho biết vẫn chưa thực hiện được các biện pháp cụ thể để sơ tán hai đối tượng này, hoặc cung cấp viện trợ cho Homs.
Thành phố cổ Homs đã bị bao vây kể từ tháng 6/2012 với ước tính khoảng 500 gia đình phải chung sống với những trận pháo kích gần như diễn ra hàng ngày.
Cuộc xung đột Syria bắt đầu hồi tháng 3/2011 đã khiến hàng trăm nghìn người tử vong và làm cho gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()