Hội nghị G7: 3 ngày kết thúc trong 1 trang giấy
Tối 26/8 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc tại thành phố Biarritz của Pháp.
Sau 3 ngày làm việc, G7 năm nay kết thúc bằng việc các nước ra được 1 bản Tuyên bố chung vô cùng ngắn gọn, dài đúng 1 trang giấy, trong đó đề cập đến các vấn đề như thương mại quốc tế, Iran, Ukraine, Lybia và Hong Kong. Mặc dù vậy, đây vẫn có thể coi là một thành công của G7 năm nay, nếu biết rằng tại G7 năm 2018 ở Canada, các bên thậm chí không thể ra Tuyên bố chung.
Tuyên bố cho biết 7 nước thành viên đã cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng và mở cửa, và vì sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố cho hay, các nước G7 muốn Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng hơn và loại trừ các hoạt động thương mại không công bằng.
Phát biểu tại họp báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh việc đạt được đồng thuận tại hội nghị về một số vấn đề quốc tế, trong đó cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, thương mại và cháy rừng Amazon là vấn đề trọng tâm. Theo ông, các nhà lãnh đạo G7 đã tìm được điểm chung, rất tích cực và chưa có tiền lệ, cho phép các nước hướng về phía trước theo cách hiệu quả hơn.
Trong vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Macron cho biết các bên đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là Iran không được sở hữu vũ khí hạt nhân và tình hình hiện nay không bao giờ được phép đe dọa đến ổn định khu vực. Mặc dù vẫn chưa có chi tiết cụ thể nào được thống nhất và mọi thứ vẫn có nguy cơ đổ vỡ, song các cuộc thảo luận kỹ thuật đã bắt đầu với một số tiến bộ nhất định. Ông Macron cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu Tổng thống Iran Hassan Rouhani đồng ý gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, đồng thời hy vọng cuộc gặp này sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Ngoài ra, ông Macron cũng xác nhận đã được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ về thỏa thuận đánh thuế các hãng công nghệ lớn, đồng thời cho biết Pháp sẽ tự xóa bỏ thuế kỹ thuật số này một khi luật quốc tế được áp dụng. Ngoài ra, Tổng thống Macron cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thay đổi các quy định của WTO.
Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định người đồng cấp Macron đã làm tốt nhiệm vụ tại Hội nghị G7, đánh giá đây là một hội nghị thành công, với sự thống nhất lớn.
Thượng đỉnh G7 năm 2019 tổ chức ở thành phố Biarritz, một thành phố nghỉ mát ven biển nổi tiếng ở miền Tây Nam, thuộc xứ Basque của Pháp, cách biên giới với Tây Ban Nha chỉ vài chục km. Đây là một thành phố nhỏ, chỉ có khoảng gần 25.000 dân nhưng có hạ tầng tốt vì là thành phố du lịch.
Có một điểm chung từ nhiều năm nay, đó là Thượng đỉnh G7 thường được nước chủ nhà G7 tổ chức ở các thành phố nhỏ, tương đối kín đáo và thường là điểm nổi tiếng về du lịch, văn hoá. Lý do quan trọng đầu tiên đó là vấn đề an ninh. Việc tổ chức ở các địa điểm nhỏ sẽ giảm bớt gánh nặng an ninh, giúp các nhà tổ chức dễ dàng phong tỏa một khu vực rộng lớn mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cư dân, cũng như có thể dễ dàng cách ly các nhóm biểu tình chống đối.
Một khu vực bị lửa thiêu rụi tại rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil hôm 24/8 |
Cháy rừng Amazon làm nóng hội nghị
Vụ cháy rừng tại Amazon đã trở thành chủ đề nóng ngay từ trước khi Thượng đỉnh G7 khai mạc và Tổng thống nước chủ nhà, ông Emmanuel Macron đã đưa vấn đề này ra bàn với các lãnh đạo G7 ngay trong những cuộc gặp đầu tiên.
Có nhiều nguyên nhân lý giải vì sao vụ cháy rừng Amazon bỗng trở thành một vấn đề lớn đến thế, dù nó đã diễn ra từ nhiều tuần nay.
Vụ cháy rừng Amazon thực sự là một thảm hoạ môi trường nghiêm trọng không chỉ với các quốc gia Amazon mà với toàn cầu bởi đây là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, được xem là lá phổi của hành tinh khi cung cấp 20% lượng khí oxy cũng như là ngôi nhà của 10% hệ động thực vật.
Đối với ông Macron, đây là cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò của nước Pháp cũng như của cá nhân ông như là nhà lãnh đạo tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là mục tiêu mà ông Macron đã theo đuổi trong suốt 2 năm qua, thể hiện qua việc Pháp từng đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khí hậu “Một hành tinh” vào cuối năm 2017 hay việc Pháp luôn tích cực vận động cho Thoả thuận Paris 2015 về khí hậu.
Ý định của ông Macron rất rõ ràng, đó là trở thành người nắm giữ lá cờ đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nước Mỹ của ông Donald Trump đã đơn phương rút khỏi Thoả thuận Paris 2015 cũng như thực thi các chính sách không thân thiện về môi trường.
Tại các hội nghị thượng đỉnh G7, các cuộc gặp song phương bên lề giữa lãnh đạo các nước G7 và các tổ chức quốc tế luôn mang lại nhiều thông tin quan trọng hơn.
Trong các cuộc gặp song phương này, nhiều thông tin rất đáng chú ý đã được đưa ra, như việc Mỹ-Anh hứa hẹn tiến nhanh đến một Hiệp định thương mại lớn chưa từng có. Liên quan đến Brexit, tại Biarritz, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là có trao đổi với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk rằng nếu nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 tới mà không có thoả thuận Brexit, sẽ không có chuyện Anh chi trả khoảng 40 tỷ euro nghĩa vụ tài chính cho EU, mà con số này sẽ ít hơn 10 tỷ euro.
Đặc biệt, một cuộc diễn biến bên lề khác, dù không phải ở cấp cao nhất, nhưng thu hút sự chú ý lớn là việc trong chiều ngày 25/8, Ngoại trưởng Iran, Zavad Zarif bất ngờ có mặt tại Biarritz và hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đây được xem là nước cờ bất ngờ của nước chủ nhà Pháp bởi Ngoại trưởng Iran xuất hiện đúng lúc những thảo luận của G7 về Iran nóng bỏng nhất. Mặc dù ông Zarif đã nhanh chóng rời khỏi Biarritz trong tối 25/8 và không có tiếp xúc nào với phía Mỹ, nhưng việc ông Zarif có mặt ở Biarritz đã nói lên khá nhiều điều.
Cuối cùng, một cuộc gặp bên lề khác cũng có thể mang đến quyết định quan trọng: Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire với hai quan chức Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong tối 25/8 để bàn về việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn vốn đang gây mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()