Hội nghị đầu tư Việt Nam – Campuchia lần thứ 3
Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Campuchia (Nguồn ảnh: qdnd.vn)Ngày 24/6, tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Sam-đếch Hun Sen đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Campuchia lần thứ 3. Đây là hoạt động quan trọng trong các sự kiện của “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia” và kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành của hai nước đã trao đổi, thảo luận với đại diện doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách mới nhất trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư của của Chính phủ Hoàng gia Campuchia đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư Việt Nam. Các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam cũng đã trao đổi và thảo luận về cơ chế, chính sách của Việt Nam nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của...
Ngày 24/6, tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Sam-đếch Hun Sen đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Campuchia lần thứ 3. Đây là hoạt động quan trọng trong các sự kiện của “Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia” và kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành của hai nước đã trao đổi, thảo luận với đại diện doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách mới nhất trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư của của Chính phủ Hoàng gia Campuchia đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư Việt Nam. Các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam cũng đã trao đổi và thảo luận về cơ chế, chính sách của Việt Nam nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào Campuchia.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2012, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 112 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,36 tỷ USD, quy mô trung bình đạt 21 triệu USD/dự án. Campuchia hiện đứng thứ 2 trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia đã triển khai tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, lâm nghiệp, nông nghiệp… Hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam được trao Giấy chứng nhận đầu tư tại hai Hội nghị Hợp tác đầu tư trước đều đã được triển khai thực hiện, trong đó có những dự án đã và sắp đi vào hoạt động. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả, nhà đầu tư đã có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia. Hợp tác du lịch hai nước cũng ngày càng phát triển; trong 5 năm qua (2007-2011) khách du lịch Campuchia đến Việt Nam gấp gần 3 lần, với tốc độ tăng bình quân 29%/năm; khách du lịch Việt Nam đến Campuchia gấp 4,5 lần, với tốc độ tăng bình quân gần 46%/năm. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm qua (2007 -2011) tăng nhanh, từ gần 1,2 tỷ USD lên trên 2,8 tỷ USD, gấp 2,3 lần, với tốc độ tăng bình quân gần 25% /năm, riêng năm 2011 tăng trên 55% so với năm 2010; 5 tháng đầu năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2011…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen cho rằng, các ý kiến tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan của hai bên và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng nhau triển khai thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại hai nước ngày càng sâu rộng, hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Campuchia phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những kết quả đã đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, với quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn của nhân dân 2 nước; tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa 2 nước còn rất lớn, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, để thúc đẩy và đạt kết quả cao hơn nữa .
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh chung, doanh nghiệp của hai nước đang gặp khó khăn; Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Campuchia hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành của Campuchia cũng dành sự quan tâm hơn và tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Campuchia; sớm xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép .
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan chức năng của 2 nước quan tâm xem xét, tạo thuận lợi để các dự án đang được doanh nghiệp 2 nước tích cực chuẩn bị, hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong đó có các dự án trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su, phát triển nông lâm nghiệp… Cùng với đó, hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả; quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa 2 nước. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp của 2 nước trao đổi thông tin, tìm kiếm các dự án, hợp đồng đầu tư kinh doanh mới, trước hết là hướng vào các lĩnh vực mà hai nước đều có nhu cầu hợp tác, Campuchia có tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển hạ tầng, du lịch và thương mại, tài chính, ngân hàng, sản xuất và chế biến nông lâm sản…
Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Campuchia đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, giữ gìn hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, ở Campuchia; chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại; ngoài mục tiêu hiệu quả kinh tế cần quan tâm giúp đỡ các đối tác và địa phương Campuchia cùng phát triển, mỗi dự án đầu tư thành công sẽ là sự đóng góp thiết thực cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Campuchia lần thứ 3 là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, một sự kiện mới tiếp nối Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 4/2011 tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia; bảy tỏ tin tưởng Hội nghị lần này sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc tìm ra những cơ hội mới trong tăng cường, củng cố và mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại giữa 2 nước.
Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đã mở cửa nền kinh tế, thực hiện mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, không phân biệt giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Đồng thời Campuchia đang thực hiện sửa đổi, bổ sung một cách nghiêm túc các chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, sửa đổi việc quản lý đất đai, quản lý hành chính, củng cố hệ thống hạ tầng cứng và hạ tầng mềm… nhằm đáp ứng các yêu cầu cần thiết cho hoạt động đầu tư và kinh doanh có hiệu quả.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định, Chính phủ Campuchia sẽ không ngừng tạo dựng môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn; hoan nghênh, chào đón và khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung hợp tác, làm ăn lâu dài tại Camphuchia.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen đã chứng kiến đại diện Chính phủ hai nước ký kết Nghị định thư về việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia năm 2001, tạo cơ sở pháp lý mới thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()