Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
Ngày 24-8, tại Hà Nội, Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách đã khai mạc, tiến hành thảo luận các dự án luật quan trọng trình QH tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trọng tâm của hội nghị này là tiếp tục thảo luận, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan lĩnh vực tư pháp. Việc thông qua các dự án luật này tại kỳ họp QH sắp tới sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo đó, các đại biểu sẽ thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của năm dự án luật: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân (HĐND); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Các đại biểu QH đã cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Chung quanh trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, dự thảo bộ luật cho phép tòa án áp dụng tập quán, pháp luật tương tự, lẽ công bằng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, làm rõ các khái niệm liên quan tập quán, án lệ, lẽ công bằng… để bảo đảm tính khả thi. Theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) và một số đại biểu, nhiều nơi ở nước ta phong tục tập quán khác nhau, việc giao và áp dụng quyền này khó khả thi. Vì vậy, đề nghị nên giao Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tiến hành tổng kết để chỉ đạo thống nhất.
Về các nội dung trong dự thảo luật liên quan việc bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền, một số đại biểu đề nghị tiếp tục khẳng định quan điểm tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự. Từ thực tiễn công tác xét xử, Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào cho rằng, Bộ luật Dân sự hiện hành đã quy định nguyên tắc trong trường hợp không có quy định thì áp dụng tập quán, pháp luật tương tự. Dự thảo lần này đã quy định nguyên tắc này. Tập quán áp dụng là các tập quán đã được cộng đồng dân cư ở đó thừa nhận, đã áp dụng để giải quyết vụ việc.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Đề cập các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, vấn đề quan trọng là khi QH và HĐND giám sát xong thì hiệu quả như thế nào, mang lại kết quả gì thì trong luật quy định chưa rõ. Về chất lượng giám sát, kể cả giám sát tối cao của QH, HĐND, cần đưa ra các kiến nghị để các chủ thể giám sát phải nghiên cứu, tiếp thu, trả lời.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và một số đại biểu khác đề nghị cần bổ sung chức năng kiểm tra, vì nếu không kiểm tra thì sẽ khó có thể đưa ra kết luận chính xác. Cụ thể, theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), khi giám sát cần tiến hành theo trình tự: nghe báo cáo, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc liên quan đến phạm vi giám sát, và tiến hành xem xét tại chỗ. Mỗi cuộc giám sát đều phải ban hành kết luận và cho phép bên bị giám sát được giải trình, khi đã chấp nhận kết luận rồi thì phải thi hành kết luận đó. Nếu không thực hiện nghiêm túc thì phải chịu kỷ luật, xử lý nghiêm…
Hôm nay (25-8), các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()