Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Ngày 22-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012. Cùng chủ trì có các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh và Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương cả nước. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 22 và 23-12.Trong ngày làm việc đầu tiên, báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 02 và 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2011, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Nhằm giảm tổng cầu, kiềm chế lạm phát, thắt chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công, các cấp, các ngành đã thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển của Nhà nước. Tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng. Ước cả năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so...
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì
Ngày 22-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012. Cùng chủ trì có các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh và Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương cả nước. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 22 và 23-12.
Trong ngày làm việc đầu tiên, báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 02 và 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2011, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Nhằm giảm tổng cầu, kiềm chế lạm phát, thắt chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công, các cấp, các ngành đã thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển của Nhà nước. Tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển là 81.500 tỷ đồng. Ước cả năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so năm 2010, cao gấp ba lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 106 tỷ USD, tăng khoảng 25% so năm trước. Tỷ lệ nhập siêu bằng khoảng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu được Quốc hội thông qua (không quá 18%). Ước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2011 tăng khoảng 18% so tháng 12-2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 ước đạt khoảng 870 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 34,7% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 8 tỷ USD, bằng mức năm 2010. Vốn ODA giải ngân năm 2011 ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,1% so năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2011 ước khoảng 5,9%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2010 (6,8%)…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2012, Chính phủ đề ra các mục tiêu quan trọng, trong đó, đặc biệt coi trọng mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát với các chỉ tiêu chủ yếu như mức tăng trưởng GDP khoảng 6%, tỷ lệ lạm phát giảm còn 9%, kiểm soát tỷ lệ nhập siêu bằng năm 2011 (khoảng 10%)… Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 là thực hiện toàn diện, lâu dài tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, tập trung vào: tái cơ cấu đầu tư công có hiệu quả hơn; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện tốt vai trò, đạt hiệu quả cao hơn, xứng đáng với nguồn lực được giao; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để các ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, tăng cường công tác đối ngoại, tạo điều kiện bảo vệ và phát triển đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, thảo luận Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 (Nghị quyết). Đồng thời, trên cơ sở những kết quả năm 2011, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc chỉ rõ hạn chế, yếu kém, tìm ra nguyên nhân, nhất là trong công tác điều hành, quản lý của hệ thống hành chính, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy những cách làm hay, mô hình tốt để thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2012.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2012, Chính phủ đề ra bảy nhóm giải pháp lớn, gồm: tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường phòng, chống tham nhũng; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Chính phủ xác định rõ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, tạo đà phát triển vững chắc cho năm 2012 và các năm tiếp theo. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt một cách đồng bộ, hệ thống các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, giá cả, thị trường và kiểm soát nhập siêu. Cụ thể, việc thực hiện chính sách tiền tệ sẽ được tiến hành chặt chẽ, thận trọng: thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu…
Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp trong Nghị quyết một cách đồng bộ, hiệu quả và có hệ thống; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành và thực hiện ngay trong tháng 1-2012 chương trình hành động cụ thể của mình; trong đó thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và đơn vị chủ trì thực hiện; phân công một đồng chí lãnh đạo chủ trì, chỉ đạo triển khai Nghị quyết.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2012 của Chính phủ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2012, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ nhưng linh hoạt, chủ động hơn để đáp ứng mọi diễn biến với mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15 – 17% phù hợp mức tăng trưởng GDP 6 – 6,5%, đồng thời có điều kiện đưa lạm phát về một con số trong năm 2012. Tín dụng ngân hàng vẫn ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng có mở rộng thêm các đối tượng, đặc biệt xây dựng các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, áp dụng công nghệ cao để nâng hiệu quả trong hoạt động nông nghiệp, xây dựng các kho bãi như các kho đông lạnh để bảo đảm tích trữ nông sản. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, ba lĩnh vực khác cũng sẽ được ưu tiên tín dụng là xuất khẩu, sản xuất công nghiệp phụ trợ để phát triển công nghiệp trong nước và tín dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là bảo đảm vốn lưu động.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Dương… báo cáo nhanh tình hình kinh tế – xã hội địa phương, tình hình thực hiện các Nghị quyết 02 và 11/NQ-CP, nhất là việc thực hiện cắt giảm đầu tư công, đồng thời kiến nghị Chính phủ các biện pháp cụ thể như giảm lãi suất; hỗ trợ lãi suất, miễn, giãn, hoãn thuế, tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá; có cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút vốn đầu tư xã hội trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công dưới các hình thức, BOT, BT, BOO, PPP; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông…
Theo kế hoạch, hội nghị tiếp tục làm việc ngày 23-12.
Theo Nhandan
Ý kiến ()