Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 17-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ đang thăm chính thức Việt Nam đã đồng chủ trì Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam V.Quaqua; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam T.Ki-mu-ra; Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam P.Mê-ta; đại diện một số tổ chức quốc tế. Hội nghị nhằm làm rõ những thách thức và cơ hội phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định quyết tâm đầu tư phát triển của Việt Nam cho khu vực này theo định hướng tổng hợp và bền vững, đồng thời qua đây kêu gọi sự phối hợp hỗ trợ của các nhà tài trợ.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ đồng chủ trì
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Việt Nam là một trong các quốc gia đang và sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhận thức rõ về các thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam đã từng bước hoàn thiện thể chế, triển khai các chiến lược quốc gia về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; ứng phó biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng Ban.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong khuôn khổ đối tác chiến lược về thích ứng với biển đổi khí hậu và quản lý giữa hai nước, Việt Nam đánh giá cao việc Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghiên cứu “Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long”. Kết quả nghiên cứu cùng với các khuyến nghị là cơ sở để Việt Nam xem xét rà soát, điều chỉnh định hướng, kế hoạch phát triển của khu vực có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm chủ trương ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế – xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đó là phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu gắn với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia… Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa đồng bào các dân tộc trong vùng. Phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế – xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực. Đồng thời tiếp cận tổng thể mang tính chất liên vùng và liên ngành trong phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, các cơ quan Trung ương và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam trong thời gian qua; Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, đóng góp đầy đủ các nguồn lực của mình để triển khai hiệu quả các hỗ trợ của các nhà tài trợ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ nhận định, Hà Lan và khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm tương đồng, đang phải đối mặt những thách thức giống nhau, đó là nước biển dâng, thay đổi dòng chảy và nhiễm mặn. Đó là lý do Việt Nam và Hà Lan đã quyết định hợp tác chặt chẽ tại khu vực này. Vào cuối năm 2013, một tầm nhìn dài hạn đã được đặt ra cho khu vực, với tên gọi Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Hà Lan cho rằng, để thành công trong một kế hoạch dài hạn như Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long cần một chiến lược rõ ràng, với những quan điểm đúng đắn về mặt thể chế và tổ chức. Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đã được tích lũy đối với các vùng đồng bằng châu thổ khác và mong học hỏi kinh nghiệm từ các khu vực đồng bằng châu thổ khác.
Tại hội nghị, các đối tác phát triển khẳng định sẽ phối hợp dài hạn với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm hỗ trợ cho việc phát triển tổng hợp và bền vững của đồng bằng sông Cửu Long; bày tỏ tin tưởng về một tương lai phát triển tươi sáng của vùng đồng bằng trù phú này.
* Chiều 17-6, tại Nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm trên địa bàn xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ đã dự lễ hạ thủy tàu ASD 3212 YN 51235 – con tàu đầu tiên được hoàn thành từ khi nhà máy hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động cách đây ba tháng.
Tàu ASD 3212 YN 51235 là tàu kéo biển được đóng mới cho chủ tàu nước ngoài. Tàu có chiều dài 32 m, rộng 12 m, lắp máy có công suất 6.500 CV, sức kéo 85 tấn và di chuyển với tốc độ 14,5 hải lý/giờ. Dự kiến, tàu sẽ được bàn giao cho chủ tàu đưa vào khai thác sau hai tuần. Nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm là liên doanh giữa Công ty CP đóng tàu Sông Cấm và Tập đoàn Damen (Vương quốc Hà Lan). Nhà máy được xây dựng mới và giai đoạn một được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 3-2014 vừa qua. Theo thiết kế, đây là nhà máy lớn và hiện đại của Damen liên doanh tại nước ngoài, chuyên đóng mới và hoàn thiện các loại tàu kéo, tàu công trình, tàu cao tốc, tàu dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu. Công ty CP đóng tàu Sông Cấm và Tập đoàn Damen đã hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu được 12 năm.
* Chiều 17-6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ và đoàn đại biểu cấp cao Hà Lan, Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan S.Díchxma thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan cho biết, Hà Lan là nước có nhiều kinh nghiệm về các lĩnh vực nông nghiệp ở châu Âu và thế giới, đồng thời cũng là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp. Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan mong muốn tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam để cùng tạo ra chuỗi cung ứng và giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của hai bên. Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan cho biết, nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia của Hà Lan có thế mạnh về công nghệ, sản xuất nông nghiệp, mong muốn được tìm hiểu, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường đánh giá việc ký Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp và an ninh lương thực trong chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan tới Việt Nam là tiền đề quan trọng để hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực này.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()