Hội nghị cấp cao G-20 Những hy vọng mong manh
Hội nghị cấp cao của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) sẽ khai mạc hôm nay (18-6) tại khu nghỉ dưỡng Lốt Ca-bốt của Mê-hi-cô.Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu diễn biến xấu hơn, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu và các nước chủ chốt trong G-20 vẫn bất đồng về nhiều vấn đề, thì hy vọng về một "liều thuốc" đủ mạnh để "hồi sức" cho kinh tế thế giới là rất mong manh.Các nhà lãnh đạo G-20 đến Mê-hi-cô lần này khi những lo ngại về một "cơn sóng thần tài chính", kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng, chưa lắng xuống. Cùng với mối lo các "mắt xích yếu" của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) có thể kéo sập cả khối thì những quan ngại về tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm cũng đang xuất hiện ở hầu hết các nền kinh tế chủ chốt của G-20. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa cho biết, các nền kinh tế của nhóm G-20 chỉ tăng trưởng 0,8% trong...
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu diễn biến xấu hơn, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu và các nước chủ chốt trong G-20 vẫn bất đồng về nhiều vấn đề, thì hy vọng về một “liều thuốc” đủ mạnh để “hồi sức” cho kinh tế thế giới là rất mong manh.
Các nhà lãnh đạo G-20 đến Mê-hi-cô lần này khi những lo ngại về một “cơn sóng thần tài chính”, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng, chưa lắng xuống. Cùng với mối lo các “mắt xích yếu” của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) có thể kéo sập cả khối thì những quan ngại về tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm cũng đang xuất hiện ở hầu hết các nền kinh tế chủ chốt của G-20. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa cho biết, các nền kinh tế của nhóm G-20 chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý I, so với mức tăng 0,7% trong quý IV-2011. Nhịp độ tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trong G-20 quý vừa qua đều chậm lại hoặc không tăng; kinh tế Trung Quốc giảm quý thứ hai liên tiếp trong khi kinh tế Ấn Độ đang chững lại…
Do vậy, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G-20 phải đối mặt nhiều sức ép trong việc tìm “lời giải” cho bài toán kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mê-hi-cô Ph.Can-đê-rôn đã bày tỏ hy vọng, các nhà lãnh đạo G-20 sẽ nhất trí thông qua Kế hoạch hành động toàn diện và dài hạn, trong đó có các biện pháp chống khủng hoảng ở châu Âu. Trong khi đó, hãng Roi-tơ nhận định, cuộc khủng hoảng ở Eurozone sẽ là vấn đề bao trùm hội nghị G-20 lần này. Các nhà lãnh đạo châu Âu dự hội nghị sẽ phải chứng tỏ họ có thể ngăn cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp lan sang những nền kinh tế lớn hơn trong khu vực, như Tây Ban Nha và I-ta-li-a. Ngoài ra, họ còn cần chứng tỏ có khả năng chỉnh sửa những vấn đề tài chính đang “làm mưa làm gió” tại Eurozone, như Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) G.Ba-rô-xô từng tuyên bố: “Chúng tôi quyết tâm chứng tỏ cho thế giới thấy đồng ơ-rô và dự án châu Âu là không thể đảo ngược”.
Dự kiến các nhà lãnh đạo G-20 sẽ bàn thảo ba vấn đề chính tại hội nghị, bao gồm tăng cường tiềm lực cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thực hiện các biện pháp kinh tế phối hợp, thuyết phục Đức ủng hộ đề xuất phát hành trái phiếu chung trong khu vực hay thành lập một liên minh ngân hàng. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, việc G-20 đạt được thỏa thuận trong những vấn đề nêu trên là rất mong manh. Tăng cường tiềm lực cho IMF là vấn đề được cho là “nhẹ nhàng” nhất tại hội nghị, vì đã được phần lớn các nước nhất trí. Đến nay các nước đã đồng ý đóng góp 430 tỷ USD cho IMF. Tuy nhiên, cho tới trước khi bước vào hội nghị chính thức, Ca-na-đa vẫn “đứng ngoài cuộc”. Và nhiều khả năng, Thủ tướng Ca-na-đa X.Ha-pơ sẽ không thay đổi quan điểm khi dự hội nghị này.
Các nhà phân tích cũng dự báo rằng, Thủ tướng Đức A.Méc-ken cũng sẽ không dễ dàng thỏa hiệp các nước thành viên G-20 khác trong các vấn đề liên quan Eurozone. Dù Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuần trước đã gia tăng sức ép, kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu cần hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng nợ và khủng hoảng tài chính của “Lục địa già”, đồng thời kêu gọi Hy Lạp tiếp tục ở lại Eurozone, song bà Méc-ken đã phản ứng rằng, không thể “đẩy trách nhiệm giải quyết các vấn đề châu Âu cho một mình Đức”. Điều này cho thấy lập trường rất cứng rắn của Béc-lin về vấn đề cứu trợ những “mắt xích yếu” trong Eurozone.
Những bất đồng giữa “bộ đôi quyền lực” của Eurozone là Thủ tướng Đức A.Méc-ken và Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ cũng gia tăng ngay trước thềm hội nghị. Ông Ô-lăng-đơ muốn thúc đẩy Khu vực đồng ơ-rô thông qua cơ chế mới nhằm bảo vệ các nước thành viên và các ngân hàng của họ khỏi cuộc khủng hoảng trên thị trường như thành lập một quỹ chung để thanh toán nợ. Tổng thống Pháp cũng muốn Quỹ cứu trợ thường trực ESM của Eurozone được cấp phép để có thể vay tiền từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực. Trong khi đó, bà Méc-ken phản đối mạnh mẽ việc lập các trái phiếu ơ-rô ngắn hạn, hoặc Đức phải bảo hiểm nợ, hoặc bảo đảm các khoản tiền gửi ở ngân hàng trong Khu vực đồng ơ-rô. Chưa hết, Thủ tướng Đức còn lên tiếng chỉ trích nước Pháp đang mất khả năng cạnh tranh về kinh tế và cản trở nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng của Eurozone. Động thái này cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Đức và Pháp chung quanh cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu. Béc-lin ủng hộ các biện pháp khắc khổ trong khi Pa-ri muốn tăng cường các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Những căng thẳng mới giữa các lãnh đạo châu Âu nói riêng và G-20 nói chung về cuộc khủng hoảng của Eurozone đã khiến nhiều quan chức G-20 tỏ ra bi quan về việc hội nghị sẽ đạt được tiến triển trong việc tìm giải pháp ngăn chặn sự tái diễn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoặc thực hiện các cải cách đối với IMF. Và một khi, các hội nghị cấp cao của nhóm những quốc gia quyền lực nhất, mạnh nhất của thế giới như EU, G-8, hay G-20 tiếp tục lâm vào bế tắc, thì hy vọng về một lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại châu Âu hiện nay vẫn xa vời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()