Tại Hội nghị, 35 đoàn đại biểu từ các nước thành viên cùng đại diện các tổ chức kinh tế và tài chính khu vực đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển của diễn đàn, các thách thức chung đặt ra đối với các nước thành viên, định hướng phát triển và những biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác liên khu vực. Hội nghị đánh giá FEALAC sau 12 năm thành lập đã có bước phát triển tích cực, từ một diễn đàn đối thoại đã trở thành một diễn đàn hợp tác quan trọng, gắn kết hai khu vực phát triển năng động, với số lượng thành viên ngày càng tăng, chiếm 40% dân số, 32% GDP và hơn 40% thương mại thế giới. Hội nghị đã quyết định kết nạp Xu-ri-nam và On-đu-rát làm thành viên chính thức của Diễn đàn, nâng tổng số thành viên lên 36 nước (gồm 16 nước Đông Á và 20 nước Mỹ la-tinh); thành lập Nhóm Tầm nhìn để đề xuất định hướng và chiến lược phát triển của Diễn đàn; ủng hộ In-đô-nê-xi-a và Cô-lôm-bi-a làm Điều phối viên khu vực nhiệm kỳ 2011 – 2013. Tuyên bố chung Bu-ê-nốt Ai-rết được Hội nghị thông qua phản ánh nguyện vọng và cam kết chung của các nước thành viên tăng cường đối thoại và hợp tác giữa hai khu vực trong nhiều lĩnh vực, đưa Diễn đàn vào một giai đoạn phát triển mới thiết thực và hiệu quả hơn.
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp toàn thể của Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng đã hoan nghênh các sáng kiến của các nước thành viên FEALAC nhằm hoàn thiện về tổ chức và cơ chế hoạt động của FEALAC theo hướng linh hoạt và hiệu quả trên cơ sở các nguyên tắc đã được thiết lập; cho rằng, các chương trình/dự án hợp tác cần tăng cường tính khả thi, tập trung vào các lĩnh vực cùng quan tâm như hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, chống đói nghèo, cải thiện và bảo vệ môi trường, ứng phó hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế hiện nay đòi hỏi FEALAC phải tăng cường sức sống và tính hiệu quả, thu hút sự quan tâm, cam kết và tham gia tích cực của các nước thành viên. Trên tinh thần đó, Việt Nam đề xuất Diễn đàn cần xây dựng một lộ trình trung và dài hạn, mở rộng tầm hoạt động của Diễn đàn, thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp FEALAC, củng cố các chương trình, dự án hợp tác của FEALAC thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chung vào cải thiện các cơ chế tài trợ.
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng cảm ơn các nước thành viên đã ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí Đồng Chủ trì Nhóm Công tác Kinh tế – Xã hội và Tiểu nhóm Du lịch nhiệm kỳ 2011 – 2013 của Diễn đàn, khẳng định cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với nước Đồng Chủ trì Nhóm của khu vực Mỹ la-tinh Ê-cu-a-đo để định hướng và điều phối các hoạt động trong khuôn khổ Nhóm, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, du lịch. Thứ trưởng cảm ơn các nước thành viên đã ủng hộ và tham gia Dự án “Giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ la-tinh thông qua Festival Huế”, trân trọng mời các nước tiếp tục cử đoàn văn hóa – nghệ thuật tham gia Festival Huế 2012 sắp tới.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng đã có cuộc làm việc và cùng Thứ trưởng Ngoại giao Ác-hen-ti-na An-béc-tô Pê-đơ-rô Đê A-lô-tô ký Hiệp định khung về Hợp tác Kỹ thuật giữa hai Chính phủ; có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô, Bộ trưởng Ngoại giao U-ru-goay Lu-ít An-ma-gơ-rô, Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Hội nhập Ê-cu-a-đo Ri-các-đô Pa-ti-nhô A-rô-ca, Bộ trưởng Ngoại giao Cô-xta Ri-ca Các-lốt Rô-vơ-si Rô-hạt, Thứ trưởng Ngoại giao Cu-ba Mác-cốt Rô-đri-ghết, Thứ trưởng Ngoại giao Mê-hi-cô Lu-đết A-ran-đa, Thứ trưởng Ngoại giao Niu Di-lân Đa-vít Oan-cơ, nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm.
Ý kiến ()