Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7: Giải quyết những thách thức chung
Một loạt vấn đề cấp bách, với trọng tâm là tiến trình phục hồi sau đại dịch, được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), diễn ra tại Anh. Tại Hội nghị, lần đầu G7 tổ chức thảo luận với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, cho thấy nhu cầu cấp thiết tăng cường hợp tác đa phương, cùng đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi.
Truyền thông Anh cho biết, các Bộ trưởng của Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản cùng đại diện Liên minh châu Âu (EU) tập trung thảo luận về “những thách thức ngày càng tăng” trong cục diện quốc tế mới. Anh, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên G7 đã mời Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nam Phi tham gia các phiên họp mở rộng nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc gia, khu vực và các biện pháp đối phó đại dịch Covid-19… Tâm điểm chú ý của hội nghị lần này là việc lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham gia thảo luận cùng những người đồng cấp G7.
Trước thềm hội nghị, Anh tuyên bố, G7 sẽ tiếp đón bạn bè và đối tác để cùng thảo luận về cách xây dựng mối quan hệ toàn cầu chặt chẽ hơn về kinh tế, công nghệ, an ninh nhằm mang lại những lợi ích cho người dân. Có thể nhận thấy thông điệp nước chủ nhà Anh muốn truyền tải là hội nghị lần này không chỉ là dịp để G7 tiếp tục thể hiện sự đoàn kết, tìm tiếng nói thống nhất trong nhiều vấn đề, mà còn là cơ hội thúc đẩy quan hệ với “các quốc gia cùng chí hướng hợp tác”, như trong tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Anh. Tuyên bố được nhấn mạnh trong bối cảnh ASEAN đang ngày càng chứng minh uy tín và vị thế trên toàn cầu và là khu vực mà các thành viên G7 đều dành sự quan tâm đặc biệt.
Về cuộc khủng hoảng biên giới Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết, G7 đã nhất trí cần đưa các bên trở lại bàn đàm phán để thúc đẩy giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 cũng trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế, như an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran…
Kiểm soát đại dịch Covid-19 cũng là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự được các bộ trưởng ngoại giao G7 và các đối tác bàn thảo tại hội nghị, nhất là trong bối cảnh lo ngại gia tăng gần đây về sự lây lan của biến thể Omicron. Danh sách các nước phát hiện trường hợp nhiễm biến thể Omicron tiếp tục nối dài mỗi ngày.
Riêng ngày 11/12, ngày Hội nghị khai mạc, nước chủ nhà Anh xác nhận có thêm 633 ca nhiễm Omicron, mức cao nhất kể từ khi biến thể mới xuất hiện tại quốc gia châu Âu này. Cơ quan an ninh y tế Anh dự đoán, nếu Omicron tiếp tục lây lan tại Anh, đến cuối tháng 12/2021, Anh sẽ có khoảng 1 triệu ca nhiễm biến thể mới này và có thể trở thành “biến thể lây nhiễm chủ đạo” tại Anh. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu không tăng cường các biện pháp phòng dịch, đến cuối tháng 4/2022, Omicron có thể cướp đi sinh mạng của 25 nghìn đến 75 nghìn người tại vùng England của Anh.
Nối tiếp những thông điệp tích cực được gửi đi từ Hội nghị cấp cao G7 diễn ra tại Anh hồi tháng 6, G7 muốn tiếp tục chứng minh nhóm không phải là “câu lạc bộ khép kín”, chỉ của riêng những nước phát triển. Trước thực tế không ai được an toàn trước khi tất cả đều an toàn, G7 đang khẳng định sự trở lại đoàn kết và mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hợp tác cùng các đối tác đẩy lùi đại dịch, giải quyết những thách thức chung.
Theo Nhandan
Ý kiến ()