Hội nghị An ninh Munich hối thúc đối thoại vì hòa bình
Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59 diễn ra tại thành phố Munich thuộc bang Bayern, miền nam nước Đức từ ngày 17 đến 19/2, với hàng loạt sự kiện dày đặc về nhiều chủ đề nóng và những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, từ chính trị, kinh tế tới an ninh, quốc phòng, môi trường…
Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức. |
Hội nghị thu hút sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước, gần 100 bộ trưởng cùng hàng nghìn chuyên gia về chính sách an ninh đến từ các nước.
Kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine
Bên lề MSC, Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 18/2 nhóm họp tại Munich, thảo luận về vấn đề Ukraine và một số vấn đề khác cùng quan tâm.
Đây là sự kiện cấp bộ trưởng ngoại giao trực tiếp đầu tiên do Nhật Bản chủ trì kể từ khi quốc gia này đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên G7 năm nay.
Cuộc gặp của các bộ trưởng ngoại giao G7 nhằm khẳng định lại sự ủng hộ của các nước G7 đối với Ukraine trước thời điểm gần một năm xảy ra cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu này. Ngoài vấn đề Ukraine, các nhà ngoại giao G7 cũng thảo luận về tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, phát biểu ngày 18/2 tại MSC, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi hòa bình và đối thoại nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Ông Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan, nhất là các nước châu Âu, bắt đầu suy nghĩ một cách bình tĩnh về những nỗ lực khả thi để chấm dứt cuộc xung đột này.
Đại diện Trung Quốc tham dự MSC cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ nêu quan điểm của mình về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó nhấn mạnh rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước phải được tôn trọng, các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc phải được duy trì. Theo ông Vương Nghị, sự hỗn loạn và xung đột đang tàn phá thế giới chính bởi các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc không được tôn trọng.
Truyền thông Đức dẫn lời ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc muốn thông qua sáng kiến hòa bình của mình để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Chính vì vậy, ông Vương Nghị kêu gọi giải quyết xung đột ở Ukraine một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn, nhấn mạnh rằng vấn đề giữa các quốc gia không nên được giải quyết thông qua việc gây sức ép hoặc các biện pháp trừng phạt đơn phương, bởi điều đó sẽ phản tác dụng.
Trước đó, trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức bên lề MSC, ông Vương Nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị An ninh Munich như một nền tảng quốc tế quan trọng, nơi Bắc Kinh kêu gọi hòa bình, sự đồng thuận trong hợp tác, cùng duy trì chủ nghĩa đa phương và ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc. Ông nói, mặc dù Trung Quốc và Đức có hệ thống xã hội và nền tảng văn hóa khác nhau, nhưng việc bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy phát triển toàn cầu phục vụ lợi ích chung của hai nước cũng là trách nhiệm chung của cả hai nước.
Đối thoại để giải quyết các bất đồng
Tân Hoa xã đưa tin Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị ngày 18/2 đã có cuộc tiếp xúc không chính thức với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blinh-ken) bên lề Hội nghị An ninh Munich. Tại cuộc gặp, ông Vương Nghị đã khẳng định rõ lập trường chính thức của Trung Quốc về vụ việc khinh khí cầu. Ông Vương Nghị cũng hối thúc phía Mỹ cần thay đổi phương hướng, thừa nhận và khắc phục thiệt hại do việc sử dụng vũ lực quá mức gây ra trong quan hệ Trung-Mỹ.
Trong khi đó, sau cuộc gặp kéo dài gần 1 giờ với ông Vương Nghị bên lề MSC, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi (Y-ô-si-ma-sa Ha-y-a-si) đã đưa ra thông báo, Nhật Bản và Trung Quốc nhất trí tiến hành đối thoại an ninh, trong đó có sự tham gia của các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao hai nước. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp như vậy đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 2/2019. Theo Bộ trưởng Hayashi, hai bên cũng chia sẻ quan điểm rằng hai nước cần nỗ lực duy trì quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định.
Bên lề Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài 35 phút, Bộ trưởng Park Jin cho biết, hai bên đã thảo luận đầy đủ những điểm tranh cãi chính liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, hai bên đã nhất trí liên lạc chặt chẽ để giải quyết các vấn đề quan tâm.
Các Bộ trưởng Ngoại giao của ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 18/2 đã bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên vừa phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trước đó cùng ngày. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp ba bên bên lề MSC, ba quan chức ngoại giao ba nước đã cùng nhau chia sẻ quan điểm về việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo, đồng thời cam kết sẽ tăng cường hợp tác an ninh ba bên nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, phù hợp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
https://nhandan.vn/hoi-nghi-an-ninh-munich-hoi-thuc-doi-thoai-vi-hoa-binh-post739493.html
Theo Nhandan
Ý kiến ()