Hội nghị an ninh G7 trước nhiều thách thức
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm G7 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có hàng loạt thách thức về an ninh không chỉ trong một số khu vực mà trên phạm vi toàn cầu.
Với chủ đề “Xây dựng một thế giới an ninh và hoà bình hơn”, trong 3 ngày từ 22 đến 24/4, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 diễn ra tại thành phố Toronto của Canada.
Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng thứ 2 của nhóm G7 trong năm nay do Canada làm Chủ tịch luân phiên và được coi là một trong những hội nghị bộ trưởng quan trọng nhất trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Quebec trong hai ngày 8-9/6.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến mới, đặc biệt là quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây, các bước tiến trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và an ninh mạng.
Trước hết là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, một trong những chủ đề nóng và thu hút sự quan tâm nhiều nhất tại hội nghị. Các Bộ trưởng đã kêu gọi Triều Tiên từ bỏ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt, kể cả vũ khí sinh học và hóa học cũng như các chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, bao gồm cả tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Trước tuyên bố mới đây của Triều Tiên về ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, theo Yonhap, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, bà Susan Thornton, ngày 23/4 bày tỏ hy vọng “Triều Tiên thành thật về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Các Ngoại trưởng cho hay quyết định ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế, do đó cần tiếp tục duy trì áp lực và các lệnh trừng phạt tối đa để buộc nước này phải từ bỏ toàn bộ tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Về quan hệ với Nga, theo hãng tin Pháp AFP, căng thẳng ở mức chưa từng có từ sau chiến tranh lạnh giữa phương Tây và Nga sẽ là tâm điểm trong nhiều phiên họp. Ngoại trưởng các nước trong G7 sẽ bàn về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, an ninh mạng…
Đây là vấn đề khá đau đầu đối với G7, vì nếu xử lý không thích hợp các quan hệ với Nga thì chiến tranh lạnh sẽ tái diễn một cách nghiêm trọng dưới hình thức mới, đẩy thế giới đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang.
Do vậy, điểm đáng chú ý là các Ngoại trưởng G7 sẽ không thảo luận các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga, bởi Anh, Pháp, Đức và Italy, các nước thành viên EU, phải có sự đồng thuận tập thể về các bước đi cần thực hiện. Đồng thời để ngỏ khả năng đối thoại với Nga trong các vấn đề liên quan, chẳng hạn vấn đề Syria.
Vấn đề chống khủng bố cũng được G7 đề cập khá chi tiết. Trong đó cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Trung Đông, ở Afghanistan cũng như tình trạng thâm nhập của các phần tử khủng bố vào châu Âu đang đặt ra nhiều thách thức.
Trước hội nghị này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi Nga giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, vốn là vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa phương Tây và Nga.
Theo các nhà quan sát, để giải quyết các thách thức nêu trên G7 phải có những giải pháp thích hợp nhưng không coi đối đầu quân sự là mục tiêu thì hy vọng mới xử lý được các điểm nóng hiện nay trên thế giới.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()