Hội Làm vườn tỉnh: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
LSO - Những năm qua, Hội Làm vườn tỉnh luôn tích cực triển khai tổ chức thực hiện những mô hình kinh tế phù hợp để hỗ trợ hội viên trong việc phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực, đạt được những bước tiến đáng kể, do vậy số lượng hội viên tham gia tổ chức hội ngày càng tăng.
Mô hình nuôi gà an toàn sinh học của ông Hồ Hữu Hải, thị trấn Cao Lộc
Trong một lần đến tìm hiểu việc thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” được Hội Làm vườn tỉnh triển khai tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Hồ Hữu Hải, hội viên Hội Làm vườn thị trấn Cao Lộc, hiện đang áp dụng thực hiện mô hình chăn nuôi này. Dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng trại, nhìn những chú gà to, khỏe, đã được xuất bán hơn nửa đàn, ông Hải tâm sự: đây là mô hình được Hội Làm vườn tỉnh hỗ trợ về thức ăn, con giống và hướng dẫn cách thức phòng trừ dịch bệnh cũng như kỹ thuật chăn nuôi. Chỉ với 100 con gà được nuôi, đến khi bán, trừ chi phí cũng lãi khoảng 6 đến 7 triệu đồng/hộ thực hiện. Đây là một kết quả đáng mừng đối với những hội viên như chúng tôi.
Rời mô hình của ông Hải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Hứa Mai Hường, Chủ tịch Hội Làm vườn thị trấn Cao Lộc, chị cho biết: Đó chỉ là một trong số 20 hộ trên địa bàn thị trấn được hưởng lợi từ dự án trên của hội. Trong năm qua, được sự quan tâm của Hội Làm vườn tỉnh trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt với mô hình “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” được triển khai tại thị trấn Cao Lộc, đã giúp cho hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo hội viên. Qua việc thực hiện mô hình này sẽ tạo tiền đề cho hội viên có thêm kiến thức về chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình.
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn tỉnh Lạng Sơn cho biết: để đạt được kết quả như vậy, những năm qua, hội luôn tích cực trong công tác phát triển tổ chức hội, đặc biệt là việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Hội có 11.234 hội viên với 135 chi hội được thành lập, nên từ đầu năm tới nay, hội đã xây dựng và triển khai 4 mô hình phát triển kinh tế VAC trên địa bàn toàn tỉnh, với tổng số vốn thực hiện trên 350 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn thực hiện các mô hình như: mô hình chuyển dịch cơ cấu mùa vụ tại huyện Bắc Sơn; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại huyện Cao Lộc; mô hình trồng na theo tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap); mô hình chăn nuôi gà thả vườn tại huyện Đình Lập. Tỉnh hội đã cùng với hội làm vườn các huyện, thành phố phối hợp với các công ty cung ứng giống lúa, ngô mới, tiến hành gieo trồng 18 mô hình sử dụng các giống lúa, ngô mới theo quy trình kỹ thuật làm mô hình điểm để hội viên đến tham quan, học tập.
Hơn nữa, Hội đã tích cực phối hợp với các hội cơ sở triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa ra các mô hình kinh tế phù hợp để hội viên tham khảo, học tập và ứng dụng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Hội Làm vườn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 134 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ yếu về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học, kỹ thuật nhân giống cây ăn quả, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc ngô, lúa giống mới, kỹ thuật nuôi cá, dê… với 5.413 lượt hội viên tham dự. Tổ chức cấp phát 4.813 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây trồng vật nuôi. Hội mong muốn, thông qua các lớp tập huấn này, sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của hội viên về vai trò của tổ chức hội. Nhưng thực tế vẫn còn có những khó khăn nhất định, như việc lãnh đạo hội làm vườn cấp huyện, xã hiện đều đang kiêm nhiệm, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành, củng cố tổ chức hội các cấp. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, xây dựng tổ chức hội cấp huyện, xã còn nhiều lúng túng, chưa thực sự đi vào nề nếp.
Để khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được, hiện nay hội tiếp tục chỉ đạo hội viên chủ động theo dõi sát sao tình hình phát triển của các mô hình. Qua đó có những biện pháp xử lý kịp thời khi có vấn đề phát sinh, đảm bảo các mô hình đều thu được kết quả tốt. Đồng thời chỉ đạo các cấp hội phát huy hơn nữa tiềm năng thế mạnh và huy động nội lực để phát triển kinh tế VAC, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh.
Bài, ảnh: Thanh Tùng
Ý kiến ()