Hội Hoan: Tăng thu nhập từ nghề truyền thống
(LSO) – Trải qua quá trình lịch sử, người dân xã Hội Hoan (huyện Văn Lãng) vẫn dày công lưu giữ những bí quyết của nghề nấu rượu men lá truyền thống. Cuối tháng 7/2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “rượu men lá Hội Hoan”. Qua đó, giá trị sản phẩm được nâng lên, góp phần khôi phục và phát triển nghề truyền thống, đồng thời giúp người dân Hội Hoan tăng thu nhập.
Chị Lý Thị Ngân, thôn Bản Miằng cho biết: Nấu rượu men lá là nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở Hội Hoan, đến nay vẫn được nhiều gia đình giữ gìn và phát triển. Trung bình mỗi ngày, tôi chưng cất được hai mẻ rượu, mỗi mẻ thu được 10 lít với giá bán 25 nghìn đồng/lít. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày, tôi thu về hơn 200 nghìn đồng. Tính ra, thu nhập cả tháng từ nấu rượu được khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm rượu men lá Hội Hoan đã được chứng nhận nhãn hiệu
Theo người dân ở đây, rượu men lá Hội Hoan tiêu thụ không chỉ ở địa bàn xã và các xã lân cận mà còn được tiêu thụ ở một số huyện như: Bắc Sơn, Bình Gia, thành phố Lạng Sơn. Với giá bán từ 22 đến 25 nghìn đồng/lít. Giá bán ổn định như vậy cũng bởi “rượu men lá Hội Hoan” có hương vị khác biệt với các loại rượu khác.
Bà Nông Thị Thịnh, thôn Bản Miằng cho biết: Trên địa bàn tỉnh, ngoài sản phẩm rượu của bà con người Dao khu vực Mẫu Sơn, Công Sơn, sản phẩm “rượu men lá Hội Hoan” là một sản phẩm đặc trưng của huyện Văn Lãng. Điều làm khác biệt của “rượu men lá Hội Hoan” với các sản phẩm rượu nấu thủ công khác, đó là người nấu rượu ở Hội Hoan đều ủ bằng men lá. Men lá được người dân Hội Hoan tự làm ra với sự kết hợp từ 8 đến 10 loại cây thuốc mọc ở trên rừng. Nếu như ai đã từng được uống qua rượu làm bằng men lá ở đây sẽ không quên được hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương vị lá rừng nên rất êm, dịu, sử dụng điều độ tốt cho sức khỏe.
Hiện nay, trên địa bàn xã Hội Hoan có gần 100 hộ nấu rượu men lá, tập trung nhiều nhất ở thôn Bản Miằng và Bản Kìa. Trung bình một tháng, người dân trên địa bàn xã tiêu thụ hơn 2.000 lít rượu ra thị trường. Qua tìm hiểu được biết, để duy trì nghề truyền thống, hiện bà con giữ nguyên cách nấu bằng phương pháp cách thủy, giúp rượu không bị váng, chất lượng rượu tốt hơn.
Đặc biệt, khi sản phẩm “rượu men lá Hội Hoan” đã có thương hiệu thông qua việc được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, các hộ nấu rượu đã chủ động đầu tư nồi nấu đảm bảo yếu tố về an toàn sức khỏe người sử dụng. Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, Hội Hoan đang nỗ lực gìn giữ và phát triển sản phẩm “rượu men lá Hội Hoan”.
Ông Hoàng Văn Chính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Hội Hoan vẫn còn rất khó khăn, đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp nên việc phát triển nghề nấu rượu men lá không những giữ được nghề truyền thống mà còn tạo việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy vậy, việc phát triển sản phẩm “rượu men lá Hội Hoan” vẫn còn gặp khó khăn, năng lực và nguồn đầu tư của các hộ nấu rượu trên địa bàn chưa đủ lớn. Do vậy, rất cần sự “tiếp sức”, liên kết từ các doanh nghiệp, qua đó, xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng tầm cho sản phẩm.
“Rượu men lá Hội Hoan” đã có chỗ đứng trên thị trường. Nguồn thu nhập ổn định từ việc nấu và bán sản phẩm rượu men lá Hội Hoan đã góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở Hội Hoan. Theo số liệu thống kê của UBND xã Hội Hoan, thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 22.730.000 đồng/người/năm, tăng 10.230.000 đồng/người/năm so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 17,78% so với năm 2015 (hiện còn 50,22%).
NGỌC MAI
Ý kiến ()