Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam: Xây cầu nối tri ân liệt sĩ
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay, nước ta vẫn còn khoảng 18 vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, hơn 30 vạn liệt sĩ đang nằm trong 3.000 nghĩa trang chưa xác định được danh tính, hơn 56 vạn gia đình chưa đưa được hài cốt liệt sĩ (HCLS) trở về.
Còn đó những trăn trở
Với mong muốn tri ân, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh ở Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (GĐLS) Việt Nam được thành lập theo quyết định của Bộ Nội vụ ngày 17-9-2010. Với 45 đầu mối cấp hội và chi hội, hơn 10 vạn hội viên tâm huyết, từ năm 2010 đến 2020, Hội đã hỗ trợ tìm kiếm, quy tập được hơn 200 HCLS bằng phương pháp thực chứng, hỗ trợ tổ chức giám định ADN cho 1.047 HCLS; đã giám định xong 665 HCLS, tỷ lệ xác định đúng danh tính liệt sĩ là 69,47%. Tính chung hơn 10 năm qua, các tổ chức hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương và gia đình tìm kiếm, cất bốc và di chuyển 955 HCLS từ các nghĩa trang và các chiến trường về quê hương yên nghỉ theo nguyện vọng của gia đình. Những kết quả ấy cho thấy, mặc dù là một tổ chức xã hội tự nguyện, tự chủ, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, các thành viên của Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam thực sự là cánh tay nối dài của Đảng, Chính phủ, là chỗ dựa tin cậy, làm yên lòng thân nhân các liệt sĩ trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh. Qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta làm dịu nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại.
Hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hòa Bình hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh do Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam cung cấp |
Song, bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua hoạt động của Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của Hội đó là: Căn cứ vào thông tin hồ sơ mộ liệt sĩ ở nghĩa trang do ngành lao động-thương binh và xã hội quản lý, có nhiều sai lệch so với hồ sơ gốc. Để xác định được danh tính liệt sĩ thì trước hết phải có hồ sơ chôn cất liệt sĩ và hồ sơ quy tập, nhưng hiện nay, do đặc điểm thời gian sau chiến tranh, một số HCLS sau khi quy tập về nghĩa trang bị thất lạc hồ sơ, đây là vấn đề hết sức khó khăn cho công tác xác định danh tính liệt sĩ…
Chúng tôi được biết, vừa qua, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam phối hợp với Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh ở Việt Nam. Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp trao đổi những thông tin, kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh. Các tham luận tại hội thảo đều có chung nhận định việc khó xác định danh tính liệt sĩ là do: Địa bàn chiến trường rộng, trong điều kiện chiến tranh, nhiều liệt sĩ được chôn cất ban đầu sơ sài, việc quản lý hồ sơ ban đầu còn đơn giản, phiên hiệu đơn vị thay đổi liên tục; HCLS di dời nhiều nghĩa trang; địa hình, địa chất nơi an táng liệt sĩ đã thay đổi nhiều. Trong khi đó, các nhân chứng tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút. Địa chỉ thân nhân các liệt sĩ cũng nhiều biến động.
Việc xét nghiệm ADN HCLS trong tình hình hiện nay cũng còn nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thách thức lớn nhất hiện nay là chất lượng mẫu ngày càng giảm, trong khi số lượng mẫu hài cốt chưa xác định danh tính rất lớn. Trong số các mẫu được giám định tại Trung tâm từ tháng 7-2019 đến nay, gần 79% mẫu cần thực hiện 2-5 lần, trong số đó phần lớn là không thu được kết quả trình tự gen.
Huy động tối đa các nguồn lực
Xác định việc hỗ trợ tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thời gian qua, các cấp, các ngành, các đội quy tập và nhiều hội viên Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam đã lên đường với tất cả tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều phương pháp tìm kiếm hiệu quả. Chẳng hạn, thông qua việc tìm kiếm hai người anh hy sinh trong chiến tranh, từ năm 2014 đến nay, ông Nguyễn Tiến Lợi, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Hòa Bình đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của, với hàng chục chuyến bay vào các tỉnh phía Nam gặp gỡ nhân chứng, làm việc với các sở, ngành, địa phương. Kết quả, ông Lợi đã tra cứu, phát hiện 179 trường hợp bia mộ liệt sĩ sai lệch, thiếu thông tin và báo cho gia đình liệt sĩ biết. Thông qua trang facebook cá nhân “Người tìm kim”, ông Lợi đã tiếp nhận 927 yêu cầu tìm kiếm liệt sĩ, trả lời làm rõ nơi hy sinh của 539 liệt sĩ, xác định danh tính 124 liệt sĩ (có trường hợp đầy đủ thông tin bia mộ trong nghĩa trang nhưng gia đình không biết). Để làm được điều đó, ông Lợi đã tra cứu, lập danh sách 942 liệt sĩ quê Hòa Bình có mộ đầy đủ danh tính tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc; lập danh sách 1.650 liệt sĩ tỉnh Hòa Bình thuộc 13 sư đoàn và 3 trung đoàn, lữ đoàn, nhờ đó cung cấp nhiều thông tin quan trọng.
Ông Nguyễn Tiến Lợi chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là phải tra cứu thông tin nhiều chiều, đặc biệt thông qua gia đình liệt sĩ, hoặc ban liên lạc đồng ngũ để kết nối với các cựu chiến binh cùng đơn vị làm rõ nơi hy sinh của liệt sĩ. Ngoài việc biết đọc giấy báo tử, cần có mối liên hệ với mạng lưới tình nguyện viên cả nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, ngành lao động-thương binh và xã hội địa phương để xác định thông tin liệt sĩ”.
Hiện nay, có những mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang có thông tin nhưng chưa đầy đủ, thậm chí có mộ liệt sĩ đầy đủ thông tin nhưng thân nhân liệt sĩ chưa biết, hoặc có cựu chiến binh có thông tin về liệt sĩ nhưng không biết chia sẻ ở đâu. Do vậy, các tổ chức hội và hội viên cần chủ động, tích cực khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn thông tin. Đồng thời phối hợp với Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội trong chiến tranh để phân tích, kết nối, bổ sung đầy đủ thông tin trên bia mộ liệt sĩ và thông tin tới thân nhân liệt sĩ.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam cho biết thêm: Cùng việc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định ADN xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong tìm kiếm, quy tập HCLS và xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin. Trong đó, Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Lào, Campuchia đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập, hồi hương HCLS; đồng thời mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, chia sẻ kinh nghiệm. Tăng cường hợp tác giữa Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam với Viện Hòa bình Hoa Kỳ và các tổ chức phi chính phủ các nước trong việc trao đổi thông tin tìm kiếm, quy tập HCLS và xác định danh tính HCLS.
Ý kiến ()