Hối hả vụ hương tết
LSO-Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, các hộ dân làm hương ở khối 6, phường Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn) lại tất bật với nghề làm hương truyền thống.
Người dân làm hương phục vụ dịp tết Nguyên đán |
Vừa phơi xong mẻ hương, bà Hoàng Thị Phục, người dân khối 6 chia sẻ: Năm nay tôi đã bước sang tuổi 70 và cũng có gần 50 năm gắn bó với nghề làm hương. Hơn 1 tuần nay, tranh thủ nắng đẹp, gia đình tôi đang tập trung thời gian vào việc làm hương. Nếu như bình thường, mỗi ngày gia đình tôi chỉ làm khoảng 5 bó (mỗi bó 100 que hương) thì vào mỗi dịp cao điểm như thế này, gia đình phải tăng số lượng lên gấp đôi, gấp ba bình thường. Làm một mình không kịp, tranh thủ ngày nghỉ, tôi còn “huy động” cả con gái, cháu gái sang giúp. Mỗi người một việc, từ vót tăm, trộn bột, lăn bột đến phơi hương, nhuộm phẩm chân hương đều được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, nhanh chóng. Thêm người làm như vậy nhưng công việc làm hương luôn bắt đầu từ sáng sớm nhưng cũng phải đến tối muộn gia đình tôi mới được nghỉ.
Không chỉ gia đình bà Phục mà vào thời điểm này, những hộ làm hương khác ở khối 6 cũng đang chạy đua với thời gian để kịp đưa những mẻ hương cuối cùng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Ông Lâm Văn Nhừng, Khối trưởng khối 6 chia sẻ: Nghề làm hương đã xuất hiện ở đây từ khá lâu. Tuy nhiên trước đây, người dân trong khối chủ yếu làm hương để thắp trong nhà thì khoảng 10 năm trở lại đây, người dân bắt đầu mang hương đi bán ngoài chợ. Dần dần, thương lái ở các nơi còn vào tận nơi để thu mua. Hiện nay, cả khối có hơn 30 hộ làm hương. Nhờ có nghề làm hương đã giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống đáng kể. Chị Giang Thị Mừng, người dân trong khối chia sẻ: Một bó hương 100 que, gia đình tôi bán buôn cho thương lái với giá từ 20.000-25.000 đồng tùy từng thời điểm cụ thể, trong đó chi phí cho một bó hương như vậy mất khoảng 10.000 đồng. Tính ra nếu mỗi ngày bán được 20 bó cũng đem lại thu nhập cho gia đình từ 200 đến 300 nghìn, những ngày giáp tết Nguyên đán, lượng hương tiêu thụ của gia đình tôi có thể tăng lên gấp 3 đến 4 lần ngày thường.
Để chuẩn bị cho vụ làm hương tết Nguyên đán, các hộ dân đã phải chuẩn bị nguyên liệu như tre, bột lá keo, mùn cưa từ cách đây vài tháng. Nếu như trước đây, những loại nguyên liệu này có sẵn tại chỗ thì hiện nay, việc tìm nguyên liệu đã khó hơn rất nhiều. Thường thì người làm hương phải nhập nguyên liệu từ các huyện như Văn Quan, Chi Lăng, Bình Gia… Cách làm hương truyền thống cũng không quá khó, tăm tre sau khi sơ chế sẽ được lăn một lớp bột keo nguyên chất, sau đó tiếp tục được lăn từ 4-5 lần với bột keo, mùn cưa đã được trộn với tỷ lệ phù hợp từ trước. Lớp cuối cùng được lăn với bột mịn, sau đó đem phơi, nhuộm phẩm đỏ ở chân hương và xếp thành bó. Theo ông Nhừng, “điểm trội” trong sản phẩm hương đốt của người dân nơi đây chính là việc giữ được cách làm hương truyền thống với tất cả các công đoạn đều được làm tỉ mỉ bằng tay. Bên cạnh đó, những loại nguyên liệu làm hương hoàn toàn từ thiên nhiên, không sử dụng các chất hóa học tạo mùi… từ đó luôn đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Vận chuyển hương đi bán |
Đang là cao điểm của vụ làm hương Tết nên đi dọc 2 bên con đường bê tông dẫn vào khối 6, không khó để bắt gặp hình ảnh từ cụ già đến em nhỏ ai nấy đều đang tất bật với mùa “làm ăn” lớn nhất trong năm. Ông Hoàng Văn Tương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Kinh cho biết: Không chỉ lưu giữ thành công nghề truyền thống mà hiện nay, hiệu quả kinh tế đem lại cho người làm hương trong khối cũng đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những hộ làm hương mang tính thời vụ thì hiện nay đã có những hộ làm hương “chuyên nghiệp” với quy mô lớn, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định. Đó cũng là tín hiệu tích cực để nghề làm hương nơi đây có thêm cơ hội phát triển.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()