Hối hả “chạy đua” sau lũ
LSO-Thời điểm này, nói sản xuất nông nghiệp “chạy đua” không có gì là quá. Ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã gây hậu quả rất lớn đối với nông nghiệp. Ước tính thiệt hại từ các công trình thủy lợi, hoa màu mất trắng, gia súc gia cầm... lên tới khoảng 43 tỷ đồng. Những vết tích ấy cần có thời gian mới có thể khắc phục, việc trước mắt là phải bắt tay ngay vào vụ hè thu, khi mà khung thời vụ chỉ ít ngày nữa sẽ kết thúc.
Phun khử trùng chuồng trại trên địa bàn huyện Cao Lộc |
Ngay sau khi lũ rút, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triệu tập cuộc họp khẩn thành phần chủ yếu là các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm về trồng trọt. Vấn đề đặt ra là lũ bão đã làm ngập úng, hư hỏng rất nhiều mạ mùa, nếu thời điểm này mà gieo lại sẽ chậm khung thời vụ và năng suất cũng như tính chắc ăn sẽ bị ảnh hưởng là điều chắc chắn. Chưa nói đến các vấn đề khác thuộc chuyên môn sâu, chỉ phân tích riêng khía cạnh ảnh hưởng về hạn và rét cuối vụ cũng đủ thấy sự bấp bênh nếu chậm vụ. Bài học mất 37.000 tấn lương thực trong vụ mùa năm 2011 do điều kiện thời tiết cuối vụ vẫn còn nóng hổi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lê Thị Thanh Nhàn ví cuộc họp khẩn này như cuộc “hội chẩn”. Chỉ một nhận định sai, quyết định sai, hậu quả sẽ rất lớn. Bởi vậy ngoài các cán bộ trong tỉnh, Ban Giám đốc Sở còn tham khảo thêm các ý kiến tư vấn từ chuyên gia của Cục trồng trọt và cả những cán bộ đã về hưu có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ý kiến chuyên môn nhận định là vẫn có thể gieo cấy được, thời điểm tốt nhất là trước ngày 5-6/8 (dương lịch), tức là trước lập Thu. Tất nhiên là nếu gieo mạ thì sẽ không kịp, do vậy phải áp dụng triệt để phương pháp gieo sạ. Ở những nơi mạ không bị ảnh hưởng do lũ thì khẩn trương cấy và nơi thừa mạ có thể điều tiết cho nơi thiếu. Việc có thể điều tiết hợp lý hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự sâu sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động. Những diện tích không kịp gieo cấy, hoặc bấp bênh sẽ chuyển đổi sang trồng ngô và rau màu.
Về chủng loại giống, theo Giám đốc Lê Thị Thanh Nhàn, các loại giống được khuyến cáo là loại giống ngắn ngày và cực ngắn ngày như Khang dân, Kim cương, DV 108, Japonica J02… Thực tế, chuyện cung ứng giống sau lũ cũng không phải dễ dàng gì, bởi hầu như các đơn vị cung ứng cũng đã kết thúc thời vụ. Thêm vào đó nhà nông còn đang rất chật vật sau lũ bão. Bởi vậy, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ vật tư, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng lớn để vận động họ hỗ trợ cho nông dân.
Mới đây, Tổng công ty giống Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ 5 tấn giống lúa Khang dân cho nhân dân các huyện Chi Lăng, Văn Lãng, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn. Số giống hỗ trợ này, đủ cho nhân dân các huyện gieo sạ khoảng 100ha. Đồng thời với các hoạt động hỗ trợ, hiện nay các cấp, ngành cũng đang khẩn trương khắc phục các sự cố về công trình thủy lợi. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 47 công trình thủy lợi và 20 công trình cấp nước bị hư hỏng. Đối với những hư hỏng nhỏ, khắc phục đơn giản sẽ huy động sức dân, còn những hư hỏng lớn, các đơn vị quản lý, khai thác sẽ khẩn trương khắc phục bước 1. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến cuối tháng 7/2014, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong các diện tích cây trồng vụ xuân và gieo trồng được gần 7.000ha ngô, lúa vụ mùa các loại. Diện tích này sẽ tăng rất nhanh trong thời điểm này bởi nhà nông bước đầu đã khắc phục xong những thiệt hại về nhà cửa, ổn định đời sống và tập trung cho sản xuất.
Song song với đẩy nhanh tiến độ trồng trọt, hiện nay các cấp, ngành đang tích cực thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi. Phòng chống dịch bệnh, trong đó tập trung vào phòng các bệnh đỏ trên đàn lợn và tiêm vắc xin lở mồm long móng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80%. Đồng thời tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi. Có thể khẳng định đây là thời điểm rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả của vụ hè thu, tác động lớn đến đời sống của người nông dân. Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, ngành và sự nỗ lực của nhà nông là nhân tố quyết định đến thắng lợi của sản xuất.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()