Hội đua bè tre - nét văn hóa Việt Bắc trên Tây Nguyên
Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Năng, trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm 88%, Ea Tam được mệnh danh là Việt Bắc thu nhỏ trên vùng đất Tây Nguyên, nơi hội tụ nhiều nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Một trong những nét văn hóa đặc trưng mamg nhiều ý nghĩa.
Theo tục truyền: Ngày xưa người Tày thường ở ven các sông, suối nên để chuyển chở nông sản, hàng hóa, đi lại thăm thân trong mùa nước lớn người dân đã nghĩ ra cách dùng các cây tre kết lại với nhau làm thành chiếc bè để qua sông. Bè là phương tiện phù hợp với địa hình vùng sơn cước trong cuộc sống thường nhật của người dân. Chính vì vậy, mà từ xa xưa trong cộng đồng người Tày đã có hội “Xéng pè khảm hải” (có nghĩa “Đua thuyền vượt biển” để tái hiện lại quá trình vượt thác ghềnh, nước dữ của của tổ tiên trong quá trình chinh phục, chế ngự thiên nhiên, thể hiện ý chí vượt qua khó khăn tìm ra “vùng đất hứa” cho thôn bản. Ngoài ra, hội đua còn là dịp để người dân vùng sơn cước ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, từ những chiếc bè tre này mà người dân các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc đã vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, vũ khí và hàng chục ngàn lượt chiến sĩ qua sông, suối, đầm, hồ ra chiến trường lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc như Chiến thắng Biên giới năm 1950, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954…
Ông Nguyễn Đại Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc tổ chức hội đua bè là một hoạt động văn hoá mang đậm nét dân gian, thông qua hoạt động này nhân dân được thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, mưu trí sáng tạo, rèn luyện sức khoẻ, hoà đồng với thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường …”. Song để làm được một chiếc bè đạt chất lượng, theo ông Lý Văn Đông, thôn Tam Liên – người có hàng chục năm kinh nghiệm cho biết: “Tre dùng làm bè phải là loại tre mai, tre giang được mang giống từ ngoài Bắc vào trồng, có thời gian sinh trưởng khoảng 2 năm tuổi, nếu tre già quá dễ bị nứt, non quá dễ gãy. Khi chọn được tre rồi thì đẽo vỏ là cả một nghệ thuật, người ta đẽo vỏ xanh cho nhẹ bớt, nhanh khô, thoát nước tốt, sau đó ngâm với nước vôi, ngâm bùn để tạo độ dẻo mền dễ uốn, chống mối mọt”. Theo kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc nơi đây, bè đạt kỹ thuật là là những bè có cây tre to đồng đều, uốn cong đều 2 đầu, ưu điểm của một chiếc bè tốt là là phải nhẹ và nổi trên mặt nươc càng nhiều càng tốt, được kết từ 7 hoặc 9 cây tre, có chiều dài từ 6 đến 9 m theo quan niệm của người Tày đó là những con số dương tượng trưng cho sự phát triển. Bè thường được làm vào dịp đầu mùa đông vì lúc này cây tre ngậm ít nước và thời gian hoàn chỉnh một chiếc trong vòng một tháng. Ưu điểm của bè là không bao giờ bị chìm dù có bị lật khi gặp gió to, nước lớn.
Với lợi thế là một xã có diện tích mặt hồ khá thuận lợi cho việc tổ chức hội thi và nhằm phát huy bản sắc văn hoá dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Bắc sinh sống tại xã Ea Tam góp phần hoàn thành dự án xây dựng xã Ea Tam là biểu tượng của “Nền Văn hoá Việt Bắc trong lòng Tây Nguyên”, góp phần xây dựng thành công “Chợ Văn hoá Việt Bắc – Chợ tình Ea Tam”. Đầu năm 2011 này, UBND Huyện Krông Năng đã cho phép UBND xã tổ chức Hội thi “Đua bè trên hồ Ea Tam”, thu hút đông đảo các đội tham gia và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con xã nhà. Hơn nữa “Hội thi Xéng Pè Khảm Hải” còn là dịp giới thiệu với quý khách và nhân dân gần xa về bản sắc văn hoá độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Bắc sinh sống tại xã Ea Tam.
Ý kiến ()