Hội Đông y xã Nhất Hòa: Kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền
– “Những năm qua, Hội Đông y (HĐY) xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn luôn là đơn vị điển hình nhất trong việc kế thừa và phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý nhằm nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) trên địa bàn huyện” – Đó là nhận xét của ông Dương Công Nam, Chủ tịch HĐY huyện Bắc Sơn.
Nhất Hòa là xã vùng III của huyện Bắc Sơn, có nguồn dược liệu tương đối đa dạng, phong phú. Trên địa bàn xã gồm 5 dân tộc cùng sinh sống (Tày, Nùng, Kinh, Dao, H’Mông) nên có sự đa dạng về bài thuốc của các dân tộc, đặc biệt, có nhiều bài thuốc quý của dân tộc Dao còn được lưu truyền và ứng dụng.
Hội viên HĐY xã Nhất Hòa phơi cây thuốc
Bà Dương Thị Tú, Chủ tịch HĐY xã Nhất Hòa cho biết: HĐY xã được thành lập từ năm 2008. Ngay từ khi thành lập, hội đã chú trọng phát triển tổ chức hội và nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cho cán bộ, hội viên…
Theo đó, hội tập trung tuyên truyền, vận động các lương y, những người làm nghề bốc thuốc tham gia tổ chức hội. Nhờ đó, số hội viên được kết nạp hằng năm đều tăng. Toàn xã hiện có 10 thôn thì hiện 6 thôn có tổ chức chi HĐY với 59 hội viên (tăng 31 hội viên so với thời điểm mới thành lập). Đây cũng là xã có số hội viên HĐY cao nhất trong các xã, thị trấn trong toàn tỉnh.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, HĐY xã thường xuyên cử hội viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về cách sử dụng cây thuốc, bảo tồn, nuôi trồng các loại cây thuốc… Từ năm 2017 đến nay, HĐY xã đã cử trên 30 lượt hội viên tham gia 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng về cách sử dụng cây thuốc và vị thuốc YHCT; lớp châm cứu xoa bóp bấm huyệt…
Cùng với đó, HĐY xã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên kết hợp với Trạm Y tế xã trồng, chăm sóc vườn thuốc tại trạm y tế xã và trồng tại vườn nhà. Hiện nay, xã có 1 vườn thuốc nam tại Trạm Y tế xã với trên 40 loại cây thuốc; 16 vườn thuốc tại nhà hội viên với trên 620 giống cây, diện tích khoảng 14 sào (số lượng và diện tích cây thuốc cao nhất so với các xã, thị trấn trên toàn tỉnh). Trong đó có một số cây thuốc quý như: cây thuốc cầm máu, cây thuốc trị rắn cắn, thuốc khống chế các cơn đau cấp tính… Từ những loại cây thuốc trên và kinh nghiệm khám, chữa bệnh của các ông lang, bà mế, trung bình mỗi năm, các hội viên đã ghi lại được hơn 20 bài thuốc quý. Nhiều bài thuốc quý được lưu truyền, gìn giữ, kế thừa và phát huy như thuốc điều trị thoái hoá cột sống, đau nhức xương khớp, viêm gan, viêm tai giữa, viêm xoang…
Hiện nay, HĐY xã duy trì tốt hoạt động của 1 phòng chẩn trị YHCT được Sở Y tế tỉnh cấp phép đủ điều kiện hành nghề hoạt động. Ngoài ra, hội còn thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, hội nghị phổ biến những cây thuốc quý nhằm phát triển, bảo tồn nguồn dược liệu theo phương châm phát huy nội lực…
Với tinh thần “lương y như từ mẫu”, các cán bộ, hội viên của hội luôn gần gũi, giúp đỡ và thăm, khám bệnh cho bệnh nhân bằng phương pháp YHCT. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, trên địa bàn có hơn 1.900 lượt bệnh nhân được khám, chữa bệnh bằng đông y với trên 4.500 thang thuốc. Ông Nguyễn Văn Trưng, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2020, tôi bị liệt nửa người do bị chèn dây thần kinh từ bệnh vôi hóa đốt sống cổ. Tôi đã đi điều trị nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, đầu năm 2022, tôi đến phòng chẩn trị YHCT tại xã Nhất Hòa để thăm khám và điều trị. Sau một tuần châm cứu, bấm huyệt kết hợp ngâm, uống thuốc… bệnh tình của tôi đã cải thiện rõ rệt. Giờ đây, tôi đã có thể đi lại và lao động bình thường. Vì thế, tôi rất tin tưởng và đã giới thiệu cho nhiều người đến điều trị tại đây.
Có thể thấy, HĐY xã Nhất Hòa đã góp phần thiết thực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và là điểm sáng trong khám chữa bệnh bằng YHCT. Với những kết quả đạt được, những năm qua, HĐY xã vinh dự được các cấp, ngành khen thưởng. Tháng 4/2023, hội được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển nền Đông y Việt Nam và HĐY Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2022.
Ý kiến ()