'Hội đồng y khoa Quốc gia cấp giấy phép hành nghề là không phù hợp'
Đại biểu Nguyễn Trí Thức cho rằng Hội đồng y khoa Quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề.
Sáng 13/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu đã có những đóng góp ý kiến về chức năng, nhiệm vụ và việc Hội đồng y khoa Quốc gia trong việc cấp giấy phép hành nghề…
Không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề
Đại biểu Nguyễn Trí Thức – Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng giấy phép hành nghề không phải là bằng cấp chuyên môn, không thể hiện là chuyên môn cao hay chuyên môn thấp. Nhưng giấy phép hành nghề bao gồm hai vế gồm có bằng cấp chuyên môn cần thiết cộng thêm hiểu biết pháp luật nước sở tại để sử dụng chuyên môn áp dụng vào phục vụ khám chữa bệnh cho đúng pháp luật, quy định của địa phương và của quốc gia.
Bên cạnh đó, về quy định chỉ có Hội đồng y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề, theo đại biểu là không hợp lý.
Lý giải quan điểm trên, đại biểu Phạm Trí Thức cho biết chỉ có một tổ chức cho cả nước thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, số lượng bác sỹ trên cả nước cũng rất lớn có thể gây ra tình trạng quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề. Đại biểu cũng nêu rõ Hội đồng y khoa Quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề.
Do đó, đại biểu đề nghị Hội đồng Y khoa Quốc gia có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề, xây dựng ngân hàng câu hỏi để công khai; xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, trên cơ sở là các cơ sở đủ điều kiện do Bộ Y tế thẩm định tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực. Các cơ sở đó sẽ được tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực hành nghề và thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các sở y tế cấp như hiện nay.
Đại biểu Phạm Thị Kiều- Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng về chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề tại Điều 18 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang quy định chỉ phù hợp với các hình thức tổ chức của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không phù hợp với hình thức y tế trường học tại các cơ sở giáo dục.
“Hiện tại, quy định trong các cơ sở giáo dục, cán bộ y tế có giấy phép hành nghề là không phù hợp, không cần thiết. Bởi trong các cơ sở giáo dục không thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trừ một số cơ sở giáo dục có đủ điều kiện thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng điều kiện để tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và phát sinh nhiều thủ tục khó khăn cho việc tích lại kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho công tác khám sức khỏe cho học sinh,” đại biểu Phạm Thị Kiều cho hay.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần quy định rõ việc không áp dụng quy định về phải có giấy phép hành nghề đối với cán bộ y tế trong các cơ sở giáo dục.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 26 dự thảo luật quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Phạm Thị Kiều nêu quan điểm Hội đồng Y khoa quốc gia nên được giao những nhiệm vụ lớn như: Tư vấn xây dựng thể chế, chính sách sách về y tế, khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết những vấn đề khó về chuyên môn chứ không nên giao đảm nhiệm các công việc thực thi tác nghiệp, cụ thể như việc tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề. Việc này nên quy định giao cho các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức độc lập thực hiện theo đối với nhiều chứng chỉ hành nghề khác mà không cần thiết phải do Hội đồng ở tầm quốc gia trực tiếp thực hiện.
Để đảm bảo theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của các địa phương đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người đề nghị cấp giấy phép hành nghề, giảm chi phí thủ tục hành chính, chỉnh sửa quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề theo địa bàn quản lý như hiện hành, Giám đốc Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hành nghề cho tất cả các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 18 theo từng địa bàn quản lý.
Tập trung thẩm quyền sẽ phát sinh khó khăn
Đại biểu Đặng Văn Lẫm – Đoàn đại biểu quốc hội T thành phố Hồ Chí Minh cho biết về tổ chức thi, đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề, khoản 2, Điều 21 và khoản 1, Điều 26 của dự thảo Luật quy định Hội đồng y khoa quốc gia có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đại biểu, việc tập trung thẩm quyền vào Hội đồng Y khoa quốc gia như vậy sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhất là tác động đến công tác bảo đảm quan y trong quân đội quốc phòng.
Đại biểu Đặng Văn Lẫm nêu rõ số lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cả nước rất lớn, thủ tục cấp phép phải theo một quy trình, thời gian nhất định, trong các đơn vị quân đội luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lực lượng cần được bổ sung tăng cường nhanh. Nhiều đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhà giàn, nếu theo quy trình, thời gian cấp phép thường sẽ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên quân y ngoài kiến thức chuyên môn ngành y còn phải có năng lực về y học quân sự như: nội khoa dã chiến, ngoại khoa dã chiến, tổ chức chỉ huy quân y, y học quân, binh chủng, xử lý vết thương chiến tranh.
Do đó, việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề đối với cán bộ y tế dân y, cán bộ quân y trong quân đội cùng một Hội đồng y khoa quốc gia, cùng một bộ câu hỏi theo dự thảo Luật là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh đến nay, Bộ Quốc phòng đã cấp giấy chứng nhận hành nghề trên 21.000 hồ sơ cho bác sỹ, điều dưỡng, y sỹ, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y và các đối tượng khác đồng thời cấp nhiều giấy phép hoạt động cho bệnh viện, phân viện, bệnh xá, phòng khám và các hình thức khác, ngoài ra còn cấp giấy chứng nhận hành nghề cho cán bộ, nhân viên quân y, bệnh viện dã chiến tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đặc biệt là về tiến độ, thời gian.
Thêm vào đó, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý giao cho một tổ chức độc lập ngoài quân đội thì sẽ không bảo đảm về yếu tố bí mật nhà nước.
Từ những lý do trên, đại biểu kiến nghị phân cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý./.
Ý kiến ()