Hội đồng nhân dân giữ vai trò quan trọng trong đổi mới quản trị theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả
Chiều 21/2, phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hội đồng nhân dân phải giữ vai trò quan trọng trong đổi mới quản trị ở địa phương theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hoạt động của Hội đồng nhân dân góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Nỗ lực cao hơn, hành động quyết liệt hơn
Đây là hội nghị thứ hai về tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhưng là hội nghị đầu tiên mang quy mô toàn quốc với sự tham dự đầy đủ của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Duy Linh) |
Trong nội dung phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trên cơ sở dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, địa phương được trình bày, Hội nghị đã thống nhất một số nội dung cơ bản và chủ yếu: Năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Thành tựu chung của đất nước có vai trò rất quan trọng của các cơ quan dân cử. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của các địa phương; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025, trên cơ sở thành tựu và bài học năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển của địa phương để thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp cần chủ động tham mưu cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính trị.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân cần lãnh đạo, chỉ đạo việc tiến hành đánh giá giữa nhiệm kỳ, rà soát toàn diện các lĩnh vực, nhiệm vụ, đề án chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành và những đề án phát sinh để tìm giải pháp thúc đẩy, khẩn trương thực hiện; đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để thực thi đồng bộ các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội các Vùng.
Nhiệm vụ quan trọng nữa được Chủ tịch Quốc hội đề cập là hiện thực hóa yêu cầu về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới bằng chương trình, lộ trình khả thi.
Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp cần chủ động tham mưu cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính trị; thông tin, tuyên truyền kịp thời, toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu từng bước rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhiều nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp dưới đang dồn lên Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần lựa chọn và thực thi các nhiệm vụ trọng tâm làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình cả về bề rộng, chiều sâu và chất lượng. Nghiên cứu và ban hành các nghị quyết về tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Cần tập trung nâng cao chất lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo hướng phải bảo đảm tính dự báo chính xác, lượng hóa được mục tiêu chính sách, các giải pháp và nhiệm vụ phải rất cụ thể, rõ ràng, bám sát thực tiễn cuộc sống, dễ triển khai thực hiện và dễ giám sát, kiểm tra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
“Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo hướng phải bảo đảm tính dự báo chính xác, lượng hóa được mục tiêu chính sách, các giải pháp và nhiệm vụ phải rất cụ thể, rõ ràng, bám sát thực tiễn cuộc sống, dễ triển khai thực hiện và dễ giám sát, kiểm tra”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xây dựng và tổ chức chương trình giám sát năm 2023 phù hợp, chặt chẽ và hiệu quả. Xây dựng các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, từ đó làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực ở địa phương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Mặt khác, Hội đồng nhân dân chủ động tham gia có hiệu quả các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong các hoạt động giám sát, khảo sát.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2023, Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Duy Linh) |
“Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ, góp phần đánh giá cán bộ, về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiếp tục lan tỏa tinh thần đổi mới
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị về công tác Hội đồng nhân dân là cách làm thiết thực, hiệu quả, thể hiện tinh thần đổi mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Tại các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã mời Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố dự thính, nhất là tại các phiên họp giám sát chuyên đề. Qua đây, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố liên tục cập nhật, bổ sung về cơ sở pháp lý và phát triển các bài học kinh nghiệm hữu ích để đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng trong ban hành nghị quyết và tăng cường các hoạt động giám sát.
Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc thực hiện Kết luận số 1144/TB-TTKQH ngày 7/6/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ động xây dựng kế hoạch định hướng chương trình hoạt động cả nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là chương trình ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân.
Để nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân được quan tâm kiện toàn kịp thời, bảo đảm tính ổn định, tích cực và chủ động thực hiện chức năng theo luật định, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, từ thực tiễn vừa qua, cần khẳng định rằng, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố một mặt luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn; mặt khác, luôn kịp thời giải quyết những nội dung phát sinh hoặc công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc cần triển khai thực hiện các chủ trương mới của Trung ương.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng trình bày tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Duy Linh) |
Điều đáng ghi nhận là, các kỳ họp Hội đồng nhân dân được tổ chức hợp lý, khoa học, bảo đảm vừa kịp thời, vừa “thực chất và hiệu quả” trong việc giải quyết thành công các nội dung và nhiệm vụ dù mới nảy sinh hay đột xuất đặt ra, với tâm thế không để bất ngờ và không rơi vào bị động; tiếp tục có nhiều cải tiến như: nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, với phương châm “từ sớm, từ xa”; giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian chất vấn, thảo luận; công tác điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu…
Năm qua, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Bộ Chính trị cũng ban hành một số nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đây là những chủ trương, chính sách mở ra cơ hội lớn cho phát triển nhưng cũng đặt trách nhiệm lớn hơn cho chính quyền địa phương nói chung và Hội đồng nhân dân nói riêng…
Ý kiến ()