Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đối phó thách thức chung
Thái tử Saudi Arabia vừa công du đến các quốc gia Arab ở vùng Vịnh, trước thềm hội nghị cấp cao của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), dự kiến diễn ra trong tháng 12 này. Chuyến thăm là cơ hội để thúc đẩy quan hệ giữa Saudi Arabia với các nước trong khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa các thành viên GCC nhằm đối phó thách thức chung, sau gần một năm cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh được giải quyết nhờ sự hòa giải của một số nước.
Các điểm dừng chân của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman gồm Oman, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain và Kuwait. Đáng chú ý, đây là chuyến công du đầu tiên của Thái tử Mohammed tới Qatar kể từ khi Riyadh và các đồng minh Arab áp đặt lệnh cấm vận đối với Doha hồi giữa năm 2017, kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Trong cuộc khủng hoảng này, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với Qatar, với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và có quan hệ mật thiết với Iran.
Căng thẳng ngoại giao đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự đoàn kết trong khối, tác động tiêu cực tới kinh tế các nước trong khu vực. Bốn quốc gia Arab đã phong tỏa các tuyến đường bộ, đường hàng không và đường biển tới Qatar. Cuộc khủng hoảng chỉ được giải quyết tại hội nghị cấp cao GCC hồi tháng 1/2021, với việc các nước vùng Vịnh ký một thỏa thuận hướng tới “sự đoàn kết và ổn định”, dưới sự trung gian của Mỹ và Kuwait. Saudi Arabia đã mở lại cửa biên giới với Qatar. Saudi Arabia và Ai Cập dẫn đầu các nỗ lực khôi phục quan hệ với Qatar, với việc Riyadh và Cairo bổ nhiệm đại sứ mới tại Doha.
Việc các nước Arab ở vùng Vịnh hóa giải được những bất đồng để nối lại quan hệ với Qatar xuất phát từ đòi hỏi phải đoàn kết vì lợi ích của mỗi nước và vì một khu vực ổn định nhằm đối phó các thách thức chung. Trong chuyến thăm tới Oman lần này của Thái tử Saudi Arabia, hai bên đã nhất trí mở tuyến đường bộ trực tiếp đầu tiên giữa hai nước láng giềng vùng Vịnh. Con đường dài 725 km nối giữa hai quốc gia sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc di chuyển của công dân hai nước và tích hợp chuỗi cung ứng. Quỹ Đầu tư công của Saudi Arabia (PIF) sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào Oman và các công ty của hai nước đã ký 13 biên bản ghi nhớ về hợp tác, trị giá 30 tỷ USD.
Chuyến công du các nước vùng Vịnh của Thái tử Saudi Arabia diễn ra cùng thời điểm với cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên kế hoạch hành động chung (JCPOA), một thỏa thuận mà các quốc gia Arab vùng Vịnh chỉ trích vì cho rằng không giải quyết được các vấn đề liên quan chương trình tên lửa của Tehran. Các nước vùng Vịnh luôn coi Iran là “đối thủ” lâu năm và coi chương trình hạt nhân của Tehran là “mối đe dọa” đối với an ninh khu vực. Các quốc gia vùng Vịnh cho là sẽ thiếu sót khi không giải quyết vấn đề tên lửa của Tehran và không có hành động có thể kiềm chế các hoạt động của Iran trong khu vực.
Trong bối cảnh đàm phán về hạt nhân giữa các cường quốc với Iran chưa đáp ứng mong muốn của các nước vùng Vịnh, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran. Mục tiêu là kiềm chế căng thẳng leo thang trong khu vực, một trong những nhân tố làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước GCC.
Hội nghị cấp cao GCC sắp tới sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên của các nước trong khối kể từ khi chấm dứt tranh cãi giữa một số thành viên với Qatar. Đây là dịp để GCC đánh giá lại những kết quả ngoại giao góp phần tích cực thúc đẩy khôi phục sự thống nhất của khối, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm hướng tới sự hợp tác đầy đủ của các thành viên, nhằm đối phó thách thức chung, vì sự ổn định và phát triển của các nước vùng Vịnh.
Ý kiến ()