Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khảo sát chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
– Ngày 9/12, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, do Bà Leo Thị Lịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn khảo sát tình hình triển khai, thực hiện một số chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Dự và làm việc với đoàn có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ, chuyên viên các phòng chuyên môn sở.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo thực hiện chính sách giáo dục trên địa bàn tỉnh
Tại đây đoàn đã khảo sát các nội dung: tình hình triển khai, kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”; các giải pháp tiếp cận giáo dục công bằng của trẻ em gái người dân tộc thiểu số trong các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khảo sát việc tiếp cận và kỹ năng của trẻ em dân tộc thiểu số sử dụng công nghệ số trong học tập; việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS…
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, toàn tỉnh hiện có 670 đơn vị trường học (trong đo có 108 trường chuyên biệt là trường Phổ thông dân tộc bán trú, nội trú), với gần 207.000 học sinh, sinh viên. Cùng đó có hơn 10.300 cán bộ quản lý, giáo viên dạy học ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, các nhà trường đã xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh, thân thiện, an toàn; đa số cán bộ, giáo viên, học sinh gương mẫu chấp hành các nội quy, quy chế, quy định; 100% trường, cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền về công tác dân số, bình đẳng giới cho học sinh. Đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, 100% các cơ sở giáo dục đều có đủ điều kiện dạy học trực tuyến, đến nay tỉ lệ học sinh, sinh viên trên địa bàn có điều kiện tham gia học trực tuyến đạt trên 88%. Bên cạnh đó, công tác phân luồng được ngành giáo dục chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tính riêng năm học 2021 – 2022, số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, học tiếp lên THPT và giáo dục thường xuyên đạt 90,4%.
Qua nghe báo cáo, các thành viên đoàn khảo sát đã thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hoá cho học sinh trên không gian mạng; xóa mù chữ; tư vấn tâm lý trong trường học; công tác chăm sóc sức khỏe học sinh; chính sách chế độ cho giáo viên khu vực biên giới; công tác bình đẳng giới… Đại diện ngành giáo dục tỉnh đã trả lời, làm rõ thêm các nội dung mà đoàn khảo sát nêu ra. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị đoàn quan tâm một số vấn đề về: bổ sung biên chế giáo viên; hỗ trợ vốn, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất giáo dục vùng khó; có thêm chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên học tập, công tác ở khu vực điều kiện kinh tế xã hội khó khăn…
Kết luận buổi khảo sát, đồng chí trưởng đoàn đề nghị: Đối với Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”, Sở Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, điều chỉnh, xây dựng bộ tiêu chí ứng xử phù hợp với từng lứa tuổi, từng bậc học; có các giải pháp phù hợp tiếp cận giáo dục công bằng của trẻ em gái người dân tộc thiểu số trong các trường tiểu học, có chiến lược gìn giữ tiếng dân tộc; cùng đó cần có giải pháp phối hợp với phụ huynh để một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với công nghệ số. Đối với các kiến nghị, đề xuất, Sở Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện bằng văn bản để gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Ý kiến ()