Đến dự, có đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đại diện một số bộ, ngành liên quan và một số cơ quan của QH. Phiên họp này dự kiến làm việc đến hết ngày 25-9 để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ bảy đến kỳ họp thứ tám QH khóa XII; cho ý kiến về báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng Dân tộc nhiệm kỳ khóa XII và cho ý kiến về 12 dự án luật sẽ được trình QH thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám sắp tới.
Ngay sau khi khai mạc, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã nghe và thảo luận kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 và Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg ngày 25-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc của QH, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi, trong đó có chương trình định canh, định cư. Cơ bản các hộ gia đình dân tộc thiểu số, các thôn, bản vùng dân tộc và miền núi đã được quan tâm đầu tư thụ hưởng các chính sách, chương trình, dự án. Nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một bộ phận đồng bào du canh, du cư chưa được thụ hưởng các chính sách (chủ yếu là các tỉnh miền núi phía bắc và các tỉnh Tây Nguyên). Để tập trung nguồn lực, đầu tư dứt điểm trong một thời gian ngắn nhằm ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào là một nhiệm vụ bức thiết. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành chính sách di dân, thực hiện định canh, định cư tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007 nhằm tạo điều kiện cho số hộ đồng bào còn du canh, du cư chưa được hưởng các chính sách theo quy định có nơi ở ổn định, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội là một chủ trương hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương. Các bộ, ngành ở T.Ư đã quan tâm hướng dẫn, triển khai thực hiện thông qua việc ban hành Thông tư hướng dẫn, đôn đốc rà soát đối tượng, xây dựng dự án, cân đối bố trí vốn… Ủy ban nhân dân các tỉnh đã khẩn trương, tích cực trong việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 33/2007, ban hành các văn bản triển khai thực hiện cụ thể của địa phương. Điều tra, khảo sát xác định đối tượng du canh, du cư; quy hoạch, xây dựng các dự án định canh, định cư…; tuyên truyền, phổ biến công khai chủ trương, chính sách đến các cấp chính quyền và người dân.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, cơ bản các tỉnh đã bám sát văn bản hướng dẫn của cấp trên; có nhiều địa phương đã xây dựng và phê duyệt xong quy hoạch dự án định canh, định cư tập trung và điểm định canh, định cư xen ghép. Nhiều tỉnh đã thực hiện lồng ghép việc thực hiện chính sách theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn không ít tồn tại. Đó là, sự phối hợp của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện chưa chặt chẽ, việc tham mưu thẩm định phê duyệt nhiệm vụ, kế hoạch định canh, định cư chưa sâu sát; công tác kiểm tra, theo dõi đánh giá chưa thường xuyên, chưa có sự tập trung, thống nhất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác điều tra, rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng chính sách chậm, còn thiếu chính xác. Một số nơi đối tượng không đúng theo tiêu chí quy định; công tác lập kế hoạch, xác định nhiệm vụ chậm, thiếu chính xác dẫn đến có sự chênh lệch quá lớn về số hộ, số khẩu, số lượng dự án, nhu cầu vốn giữa đề án trình để ban hành chính sách di dân, thực hiện định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007 với Quyết định phê duyệt kế hoạch định canh, định cư. Công tác quy hoạch thiếu sự thống nhất từ T.Ư đến địa phương; chất lượng quy hoạch, lựa chọn địa điểm cũng như thẩm định, phê duyệt một số dự án định canh, định cư tập trung và các điểm định canh, định cư xen ghép nhiều nơi làm chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế về đất ở, đất sản xuất, nguồn nước… nên khó triển khai thực hiện…
Sau khi nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, yếu kém, Hội đồng Dân tộc đã đưa ra nhiều kiến nghị với QH, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Trong đó kiến nghị QH chỉ đạo, điều hành các cơ quan của QH, các Đoàn đại biểu QH và Hội đồng nhân dân các cấp tích cực giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật thực thi trên vùng dân tộc và miền núi nói chung và chính sách di dân, thực hiện định canh, định cư nói riêng. Kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương kiểm tra, phúc tra lại số hộ di dân, định canh, định cư của các tỉnh, số dự án định canh, định cư hiện nay. Đối với các hộ không bảo đảm tiêu chí theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, thì đưa ra khỏi kế hoạch, nhiệm vụ đã ghi trong Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg.
Tập trung bố trí nguồn lực, chỉ đạo kiên quyết để hoàn thành việc di dân, thực hiện định canh, định cư cho số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư vào năm 2012 theo Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg. Chỉ đạo các địa phương xây dựng chương trình quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()