Hội đồng Bảo an thông qua 4 nghị quyết theo thủ tục đặc biệt
Trong số này có 3 nghị quyết được nhất trí thông qua riêng Nghị quyết 2521 liên quan đến tình hình Nam Sudan được thông qua với 12 phiếu thuận, 3 phiếu trắng của Nga, Trung Quốc và Nam Phi.
Ngày 29/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết theo thể thức bỏ phiếu bằng văn bản.
Trong số này có 3 nghị quyết được nhất trí thông qua, gồm Nghị quyết 2520 về gia hạn Phái bộ Liên minh Châu Phi (AU) tại Somalia (AMISOM), Nghị quyết 2522 về gia hạn Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) và Nghị quyết 2523 về gia hạn kỹ thuật đối với Phái bộ Hỗn hợp Liên hợp quốc-AU tại Darfur (UNAMID).
Riêng Nghị quyết 2521 liên quan đến tình hình Nam Sudan được thông qua với 12 phiếu thuận, 3 phiếu trắng của Nga, Trung Quốc và Nam Phi.
Nghị quyết 2520 quyết định gia hạn hoạt động của AMISOM đến ngày 28/2/2021.
Nghị quyết khẳng định Hội đồng Bảo an sẽ chuyển giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Somalia từ năm 2021; Liên hợp quốc và Somalia sẽ tăng cường phối hợp trong chuẩn bị và tiến hành bầu cử đúng hạn vào cuối 2020 và đầu 2021; Liên hợp quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Somalia trong bối cảnh đại dịch COVID-19; tiếp tục xác định tổ chức khủng bố Al-Shabaab là mối đe dọa đến an ninh và ổn định của Somalia và khu vực; và yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc có báo cáo đánh giá hoạt động của AMISOM trước ngày 10/01/2021.
Nghị quyết không có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của AMISOM, giữ nguyên mức trần lực lượng hiện nay.
Nghị quyết 2521 quyết định Hội đồng Bảo an sẽ xây dựng các tiêu chí để rà soát lại các biện pháp trừng phạt đối với Nam Sudan và sẽ tiến hành rà soát giữa kỳ các biện pháp này trước ngày 15/12/2020. Nghị quyết cũng ghi nhận những tiến triển tích cực về tình hình chính trị, an ninh ở Nam Sudan thời gian qua.
Nghị quyết 2522 quyết định gia hạn hoạt động của UNAMI đến ngày 31/5/2021. Theo đó, UNAMI có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho Chính phủ và người dân Iraq thúc đẩy đối thoại chính trị toàn diện và hòa giải quốc gia, tổ chức các cuộc bầu cử, cải cách an ninh, tư pháp, thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, thúc đẩy tái thiết và cải cách kinh tế, tăng cường đối thoại và hợp tác trong khu vực, điều phối hoạt động nhân đạo.
Nghị quyết 2523 quyết định giữ nguyên mức trần của cấu phần quân sự và cảnh sát của UNAMID đến ngày 3/6/2020 và quyết định Hội đồng Bảo an sẽ xem xét thông qua một Nghị quyết thiết lập sự hiện diện mới của Liên hợp quốc ở Sudan trước thời điểm nói trên.
Trong những ngày tới, các nước thành viên Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục thảo luận về việc này để hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở quốc gia này.
Trong tháng 5/2020, do không thể họp tại trụ sở Liên hợp quốc để biểu quyết trực tiếp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nước Hội đồng Bảo an tiếp tục nhất trí tiến hành bỏ phiếu các Nghị quyết bằng cách gửi văn bản thông báo.
AMISOM được thành lập theo ngày 30/8/2017 theo Nghị quyết 2372. Nhân sự của AMISOM hiện có hơn 20.000 người, trong đó khoảng 19.600 quân nhân và hơn 1.000 cảnh sát.
UNAMI là một phái bộ chính trị đặc biệt của Liên hợp quốc được thành lập theo Nghị quyết1500 ngày 14/8/2003 của Hội đồng Bảo an trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Iraq và được gia hạn hoạt động hàng năm.
Nhân sự của UNAMI hiện có khoảng 800 người, trong đó hơn 300 người nước ngoài và gần 500 người Iraq.
UNAMID được thành lập ngày 31/7/2007 theo Nghị quyết 1769 của Hội đồng Bảo an , là Phái bộ gìn giữ hòa bình với chức năng bảo vệ thường dân, tạo điều kiện cho việc triển khai công tác nhân đạo ở Darfur (Sudan) và hỗ trợ tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang ở Darfur.
Nhân sự của UNAMID hiện có hơn 6.500 người, trong đó khoảng hơn 4.000 quân nhân và 2.500 cảnh sát./.
Ý kiến ()