Hội đàm Mỹ-Trung: Cuộc gặp "dò đường" định hình quan hệ song phương
Cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Trung Quốc đã không đạt được kết quả cụ thể nhưng cũng là cơ hội mở ra các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp theo giữa hai bên nhằm cài đặt lại quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.
Không ngoài dự đoán, cuộc gặp quan chức cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức đã không đạt được kết quả cụ thể nào và hai bên không đưa ra tuyên bố chung.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu cho thấy đây là cơ hội mở ra các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp theo giữa hai bên nhằm cài đặt lại quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.
Trong suốt 4 năm thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa-chính trị căng thẳng, với mâu thuẫn tồn tại trong rất nhiều vấn đề. Hai nước liên tục đưa ra các đòn “ăn miếng trả miếng” nhằm đáp trả các hành động của nhau, khiến mối quan hệ rơi vào mức thấp nhất kể từ năm 1972.
Thế nhưng, dù ở thế đối đầu với nhiều bất đồng và tranh chấp, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu được tầm quan trọng của quan hệ song phương cũng như việc duy trì đối thoại. Đó là mối quan hệ mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả là “quan trọng nhất trên thế giới,” và “sẽ cạnh tranh khi cần và hợp tác khi có thể.”
Về phần Trung Quốc, việc lựa chọn hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới thành phố Anchorage, bang Alaska của Mỹ tham dự cuộc gặp cho thấy Bắc Kinh cũng coi trọng việc tái thiết lại quan hệ hai nước.
Các quan chức Trung Quốc từng khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong một loạt vấn đề và kêu gọi hai bên đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo có thể dự đoán được và mang tính xây dựng. Có thể nói, cuộc gặp cấp cao này cho thấy mong muốn của cả hai bên trong việc nối lại đối thoại sau khi cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu những thiệt hại lớn do tình trạng đối đầu trong suốt 4 năm qua.
Tuy nhiên, cả hai bên đều không đặt nhiều kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp. Cho tới nay, dù thể hiện sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc nếu phù hợp với lợi ích của Mỹ, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy chính quyền ông Biden vẫn sẽ tiếp nối chính sách “cứng rắn” trong quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tổng thống Biden từng tuyên bố rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của Mỹ” và chính quyền của ông sẽ theo đuổi chính sách “cạnh tranh gay gắt” với quốc gia này, trong khi đó Ngoại trưởng Blinken cho rằng Bắc Kinh đang đặt ra “thách thức quan trọng nhất” đối với Mỹ so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể sớm ấm trở lại. Mỹ một mặt muốn hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, ví dụ như chống đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác vẫn muốn gây sức ép với Trung Quốc liên quan tới hoạt động thương mại, công nghệ, tài chính, an ninh, quốc phòng…
Trong khi đó, như tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngay trước cuộc gặp, Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp và nhượng bộ trong các vấn đề mang tính lợi ích cốt lõi.
Một số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng cuộc gặp là cơ hội ban đầu để giải quyết những bất đồng gay gắt. Mỹ đang thúc đẩy các cuộc tiếp xúc để vạch ra chiến lược thực tế hơn cho quan hệ với Trung Quốc sau khi Tổng thống Biden nhậm chức tháng 1 vừa qua.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng khẳng định không mong đợi một vòng đối thoại sẽ giải quyết được tất cả vấn đề giữa hai bên. Bắc Kinh hy vọng cuộc gặp sẽ mở đường cho thông tin liên lạc tối hơn, tạo ra một khởi đầu và hai bên có thể bắt đầu một quá trình đối thoại thẳng thắn, xây dựng và thực tế. Nói các khác, đối với cả hai, cuộc gặp mang tính chất “dò đường” để định hình lại quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới.
Vì thế mà trong cuộc gặp kéo dài 2 ngày, cả phía Mỹ và Trung Quốc đều thẳng thắn thể hiện quan điểm. Đại diện Mỹ nêu những quan ngại của nước này trước các động thái của Trung Quốc mà Washinhton cho là “đe dọa trật tự thế giới,” trong khi Bắc Kinh kêu gọi Washington không can thiệp các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, cho rằng “Mỹ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác.” Có thể hiểu đây là cuộc tiếp xúc để hai bên khẳng định lập trường của mình chứ không phải để giảm mâu thuẫn.
Dù thừa nhận những khác biệt trong nhiều vấn đề và hai bên không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, song cả Mỹ và Trung Quốc đều bỏ ngỏ cơ hội có thể hợp tác trong tương lai.
Mỹ khẳng định hai nước có lợi ích chung về vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu, trong khi Trung Quốc thông báo cuộc hội đàm diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi, đồng thời cho rằng hai bên nên thực hiện chính sách “không xung đột” để định hướng quan hệ theo một quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai.
Đánh giá về kết quả này, truyền thông Trung Quốc nhận định cuộc gặp quan chức cấp cao tại Alaska sẽ mở đường cho các vòng đối thoại tiếp theo hợp lý và thực tiễn hơn giữa hai bên. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, song cuộc gặp đã một lần nữa khẳng định rằng đối thoại nên là lựa chọn ưu tiên cho mối quan hệ luôn căng thẳng giữa hai nước.
Cuộc gặp này có thể mở đường để khởi động lại các cuộc đối thoại cấp chuyên viên về những vấn đề gây tranh cãi, nối lại các vòng đối thoại chiến lược cấp cao, cũng như để hai bên đánh giá và định hình lại phản ứng thực tế đối với những mối lo ngại và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Như vậy, dù mang tính chất “dò đường”, cuộc gặp vẫn đem lại hy vọng quan hệ Trung-Mỹ có thể tan băng./.
Ý kiến ()