Hội Cựu chiến binh huyện Cao Lộc: Chung tay phát triển kinh tế
(LSO) – Những năm qua, phong trào cựu chiến binh (CCB) thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo được Hội CCB huyện Cao Lộc hưởng ứng tích cực. Từ đó, nhiều hội viên CCB đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Hội CCB huyện Cao Lộc có trên 3.000 hội viên. Để thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, hội CCB các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Lã Văn Hiệp, hội viên Chi hội CCB thôn Kéo Cặp, xã Hòa Cư là một trong những CCB điển hình phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả. Ông Hiệp cho biết: Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê nhà thích hợp trồng cây hồng và mận, tôi đã cùng gia đình bắt tay thực hiện. Thời gian đầu, tôi còn gặp khó khăn trong xử lý dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế thấp. Qua quá trình học hỏi và được chi hội cử tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tôi đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Đến nay, mô hình đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện, gia đình có 600 gốc hồng Bảo Lâm, (trong đó có 300 cây đã cho thu hoạch) và 200 gốc mận, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Gia đình hội viên CCB Vy Văn Chàng, khối 4, thị trấn Cao Lộc chăm sóc đàn lợn
Cũng từ sự giúp đỡ của tổ chức hội, CCB Vy Văn Chàng, khối 4, thị trấn Cao Lộc đã phát triển mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nấu rượu cho thu nhập cao. Ông Chàng cho biết: Năm 2006, tận dụng đất vườn, gia đình tôi quyết định chăn nuôi lợn kết hợp nấu rượu. Đến năm 2019, thông qua Hội CCB huyện, tôi vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 100 triệu đồng để nâng cấp chuồng trại. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 3 lứa, mỗi lứa 20 con, thu nhập trên 300 triệu đồng.
Xác định phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, Hội CCB huyện đều chỉ đạo các tổ chức hội tích cực tuyên truyền cho hội viên tại các buổi sinh hoạt. Đặc biệt, hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhận ủy thác cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Cụ thể, năm 2020, hội đã nhận ủy thác cho hơn 800 hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, hội cũng hỗ trợ cho 30 hội viên CCB vay không lấy lãi với tổng số tiền 186 triệu đồng từ quỹ do các hội viên đóng góp.
Nhờ đó, hội đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, theo thống kê của Hội CCB huyện, hiện nay, toàn huyện có 97 mô hình phát triển kinh tế do các hội viên CCB làm chủ như: mô hình trồng cây ăn quả (hồng, cam, bưởi), mô hình chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng… Doanh thu trung bình của các mô hình thấp nhất đạt 50 triệu đồng/năm, cao nhất đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Mạnh Sằn, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, cán bộ, hội viên CCB toàn huyện đã tích cực xây dựng các mô hình hay, triển khai cách làm sáng tạo góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyên truyền, vận động hội viên lao động sản xuất, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình; chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các mô hình phát triển kinh tế với quy mô sản xuất tập trung.
Từ các mô hình phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ CCB nghèo trên địa bàn huyện Cao Lộc giảm từ 7,09% (năm 2019) xuống còn 1,25% (năm 2020), giải quyết việc làm cho gần 400 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Năm 2020, Hội CCB huyện được Hội CCB tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác và các phong trào thi đua của hội.
Ý kiến ()