LSO-Hội CCB Hữu Lũng hiện có 4.479 hội viên, sinh hoạt ở 34 cơ sở hội. Trong những năm qua, ngoài việc thường xuyên củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức hội, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được hội chú trọng, coi là nhiệm vụ trọng tâm của hội để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Phát huy bản chất truyền thống “anh bộ đội cụ Hồ”, cấp hội và hội viên tích cực tham gia, cần cù, sáng tạo đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, đưa các loại giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về chăn nuôi trồng trọt, chuyển giao khoa học kĩ thuật… đẩy mạnh đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế như: mô hình VAC, VAC-R, khai thác chế biến lâm sản, khai thác chế biến đá, vật liệu xây dựng, các dịch vụ tổng hợp. Phát triển...
LSO-Hội CCB Hữu Lũng hiện có 4.479 hội viên, sinh hoạt ở 34 cơ sở hội. Trong những năm qua, ngoài việc thường xuyên củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức hội, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được hội chú trọng, coi là nhiệm vụ trọng tâm của hội để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Phát huy bản chất truyền thống “anh bộ đội cụ Hồ”, cấp hội và hội viên tích cực tham gia, cần cù, sáng tạo đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, đưa các loại giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về chăn nuôi trồng trọt, chuyển giao khoa học kĩ thuật… đẩy mạnh đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế như: mô hình VAC, VAC-R, khai thác chế biến lâm sản, khai thác chế biến đá, vật liệu xây dựng, các dịch vụ tổng hợp.
|
Phát triển chăn nuôi bò ở huyện Cao Lộc – Ảnh: Dương Chinh |
Để giúp hội viên có vốn sản xuất, Hội cùng các cấp hội cơ sở đã đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hữu Lũng cho hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng số dư nợ là 9.601 triệu đồng cho gần 700 hộ hội viên vay. Ngoài ra, tổ chức hội còn vận động cán bộ hội viên đóng góp xây dựng quỹ hội để tạo kinh phí hoạt động và hỗ trợ hội viên vay vốn sản xuất với các hình thức như: tổ chức mua đất trồng rừng, thuê ruộng cấy lúa, trồng mầu, phối hợp mở các lớp dạy nghề tạo nguồn kinh phí chăn nuôi, gây quỹ. Đến nay, tổng số quỹ hội gây dựng được lên tới 618 triệu đồng, đã tổ chức cho hội viên vay (lãi suất thấp và không lãi) để phát triển sản xuất là 450 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức hội còn vận động các hội viên có điều kiện về giống, vốn cho vay, mượn con giống, cây giống. Qua đó, các hội viên đẩy mạnh phát triển sản xuất, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hình thành và đem lại hiệu quả kinh tế cao trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, các hội viên CCB đã biết nắm bắt thế mạnh của địa phương và gia đình, áp dụng KHKT vào sản xuất, đã xuất hiện hàng trăm mô hình làm kinh tế giỏi với cách làm hiệu quả cho thu nhập cao. Điển hình như: ở xã Đồng Tiến có hộ hội viên Đào Quốc Doanh với mô hình vườn, rừng; Nguyễn Văn Nguyên với mô hình nuôi gà; Lê Trung Phần, mô hình chăn nuôi dê và trồng rừng. Hội viên Nguyễn Cương Quyết, xã Minh Sơn với mô hình nuôi cá và trồng rừng; Trịnh Văn Trọng, xã Hòa Lạc, mô hình nuôi lợn; Nguyễn Văn Tuấn, xã Yên Vượng, mô hình nuôi cá;… Đặc biệt, nhiều mô hình đã giải quyết việc làm cho lao động là con em CCB và người địa phương như: mô hình hình chế biến lâm sản của hộ hội viên Nguyễn Văn Tuy, xã Sơn Hà, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động, từ 11-15 lao động làm theo mùa vụ; mô hình khai thác, chế biến vật liệu xây dựng của hội viên Nguyễn Giảng Võ, xã Đồng Tân, tạo việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động, ngoài ra còn hỗ trợ hội viên CCB vốn phát triển sản xuất, làm nhà,… các mô hình trên cho thu nhập từ 70-200 triệu đồng/năm. Hiện hội có khoảng 80 mô hình kinh tế do CCB làm chủ có thu nhập trên 100 triệu/năm, hơn 100 mô hình thu nhập từ 30 đến 100 triệu/năm, giải quyết việc làm cho 150 lao động thường xuyên và 250-300 lao động theo mùa vụ.
Hội CCB Hữu Lũng với những hướng đi phù hợp, có hiệu quả trong các phong trào, đặc biệt trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Hàng năm có từ 90-97% hộ gia đình CCB đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 60% thôn bản, khu phố đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến, không còn hộ CCB đói, hộ nghèo giảm chỉ còn 4,35%.
Đỗ Hoạt
Ý kiến ()