Hồi chuông Hiroshima
Những người sống sót cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ( Ảnh: EPA )NDĐT- Đã thành thông lệ, ngày 6-8 hằng năm, người dân Nhật Bản lại tập trung tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để tưởng nhớ thời khắc Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống đây. Ngay sau vụ nổ, 140 nghìn người đã chết và thêm hơn 70 nghìn sinh mạng bị cướp đi sau đó ba ngày tại Nagasaki. Những di chứng khủng khiếp vẫn kéo dài cho đến ngày hôm nay khiến buổi lễ tưởng niệm năm nào cũng có ý nghĩa hết sức lớn lao. Hồi chuông cầu nguyện từ Hiroshima không chỉ có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh người dân Nhật Bản mà còn đối với tất cả mọi người trên khắp hành tinh này về nguy cơ vũ khí nguyên tử - một nguy cơ hủy diệt hàng loạt vẫn đang hiện hữu.Lễ tưởng niệm năm nay quy tụ hơn 10 nghìn người và trong số khách nước ngoài, lần đầu tiên tham gia có cả Clifton Truman Daniel, cháu trai...
![]() Những người sống sót cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ( Ảnh: EPA ) |
Lễ tưởng niệm năm nay quy tụ hơn 10 nghìn người và trong số khách nước ngoài, lần đầu tiên tham gia có cả Clifton Truman Daniel, cháu trai của cố tổng thống Harry Truman – người đã ra lệnh ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Đặc biệt, bên cạnh các hoạt động tưởng niệm, các cuộc biểu tình phản đối sử dụng điện hạt nhân cũng được tiến hành sau dư chấn của thảm họa kép tại nhà máy điện Fukushima hồi tháng 3 năm ngoái. Nguy cơ hạt nhân giờ đây không chỉ trong lĩnh vực quân sự nữa, nó đã lan sang cả lĩnh vực dân sự.
Trong suốt 67 năm qua, thảm họa kinh hoàng Hiroshima đã buộc cộng đồng quốc tế phải có những nỗ lực nhằm ngăn chặn không để nó tái diễn. Những thành quả đạt được không phải là nhỏ. Một loạt các hiệp định quốc tế đã được ký kết, tiêu biểu trong số đó như: Hiệp ước về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (gọi tắt là hiệp ước NPT, được ký năm 1968 và hiện có tới 191 quốc gia tham gia); Hiệp ước về hạn chế tên lửa đạn đạo giữa Mỹ và Liên Xô năm 1972 (hiệp ước ABM); Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giữa Mỹ và Nga (hiệp ước START 1 ký năm 1990 và START mới ký năm 2010); Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (hiệp ước CTBT ký năm 1995) v.v. Số lượng các quốc gia sở hữu loại vũ khí khủng khiếp này cũng dừng lại ở con số rất hạn chế. Quan trọng hơn cả, hiện nay, phổ biến vũ khí hạt nhân được coi là một trong những nguy cơ có tính toàn cầu trong nhận thức của toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, những nỗ lực này rõ ràng là chưa đủ hóa giải nỗi lo Hiroshima. Vẫn còn đó những tư duy “ngoại giao nguyên tử”. Trong cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001, cựu tổng thống Bush đã công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt các lực lượng Taliban. Những nước sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục dùng nó để răn đe nhau và nguy hiểm hơn, răn đe các quốc gia không có. Hoạt động của các cơ chế quốc tế, điển hình như Cơ quan năng tử lượng quốc tế (IAEA), chưa thực sự hiệu quả do những khác biệt về quan điểm cũng như lợi ích của các thành viên. Trong nhiều tình huống, nhiều quốc gia còn lợi dụng chủ đề ngăn chặn vũ khí hạt nhân để phục vụ cho những toan tính của mình. Hiểm họa rình rập hiện nay đối với cộng đồng quốc tế chính là khả năng rò rỉ vũ khí hạt nhân vào tay các phần tử khủng bố quốc tế.
Sau sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyl năm 1986, an toàn hạt nhân dần trở thành một vấn đề bức xúc chẳng kém vấn đề ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, do bối cảnh Chiến tranh lạnh nên thảm họa Chernobyl, hậu quả từ hoạt động của con nguời trong lĩnh vực hạt nhân, bị che khuất đi bởi các mục tiêu phấn đấu về tăng trưởng, thịnh vượng. Thảm họa kép do sự kết hợp ngẫu nhiên giữa con người và thiên nhiên tại nhà máy điện nguyên tử Fushima tháng 3-2011 thực sự đã kéo nhân loại về với nguy cơ lịch sử – nguy cơ hạt nhân.
Việc tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân là điều khó có thể đảo ngược bởi nhu cầu năng lượng vẫn ngày càng gia tăng mạnh mẽ, trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch càng ít dần đi. Trong hội nghị lần thứ 5 của các nước thành viên Công ước An toàn hạt nhân (CNS) tại Viena (Áo) ngày 6-4-2011, Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano khẳng định, những động lực thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân không thay đổi sau “sự cố Fukushima”. Bài học từ những sự cố hạt nhân dân sự cho thấy, thảm họa có thể xảy đến từ cấp độ quản lý vĩ mô hay vi mô, từ hoạt động của từng công nhân và đương nhiên từ cả chính quá trình vận động của thế giới tự nhiên. Nói cách khác, quyết tâm tiếp tục phát triển hạt nhân dân sự cũng đồng nghĩa với việc gia tăng các nguy cơ mất an toàn.
Một điều nghịch lý là, tuy biết nguy cơ hạt nhân dù là quân sự hay dân sự thì cũng vô cùng khủng khiếp bởi nó để lại những di chứng như phóng xạ, ung thư cho nhiều thế hệ và cả môi trường sống, nhưng vì nhiều lý do quyền lực hay tiền bạc, vô tình hay hữu ý, không ít người vẫn đang biến nguy cơ này trở thành hiện thực.
Chính thực trạng này, những hồi chuông từ Hiroshima vẫn tiếp tục vang lên với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xét cho cùng, thảm họa hạt nhân trong quân sự hay dân sự, phần lớn đều xuất phát từ chính hành vi của con người. Nếu thực sự quyết tâm, vũ khí hạt nhân vẫn có khả năng bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống nhân loại bởi sở hữu nó chỉ có vài nước mà thôi.
Đối với hạt nhân dân sự, nếu an toàn hạt nhân được đặt lên ưu tiên hàng đầu, trên cả vấn đề lợi nhuận hay danh tiếng thì chắc chắn năng lượng hạt nhân vẫn có vị trí quan trọng trong mỗi nền kinh tế.
Theo Nhandan

Ý kiến ()