Hồi chuông báo động ở châu Âu
Cơ quan Tư pháp châu Âu (Eurojust) gần đây công bố báo cáo cho thấy, số vụ án buôn bán ma túy mà cơ quan này thụ lý hồ sơ xét xử đã tăng lên gấp đôi chỉ trong bốn năm qua.
Với thực trạng nêu trên, một hồi chuông báo động về tình trạng gia tăng mạnh các hành vi phạm tội đã rung lên, giữa lúc sóng gió từ dịch Covid-19 bủa vây “lục địa già”.
Báo cáo của Eurojust nêu rõ, số vụ án buôn bán ma túy mà cơ quan này thụ lý hồ sơ xét xử trong năm 2020 là 562 vụ; và tổng giá trị ma túy được buôn bán trên khắp các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) thời gian qua ước tính lên tới 30 tỷ ơ-rô mỗi năm. Cũng theo báo cáo, hiện nay, tội phạm buôn bán ma túy đã chuyển hướng sang phân phối ma túy trực tuyến, thay vì buôn bán theo mạng lưới phân cấp như trước đây. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, người dân chủ yếu sử dụng kênh giao tiếp trực tuyến.
Bởi vậy, các tổ chức tội phạm đã thay đổi phương thức hoạt động, chuyển sang sử dụng các kênh giao tiếp an toàn hơn như điện thoại mã hóa, tiền điện tử… Tương tự như vậy, những đối tượng có nhu cầu mua chất cấm cũng tiến hành thanh toán trực tuyến và nhận ma túy theo đường bưu điện. Ðiều này đã tạo ra rào cản rất lớn cho các cơ quan tư pháp ở châu Âu trong quá trình truy tố, định tội những kẻ có hành vi phạm tội.
Trong những tháng qua, lực lượng cảnh sát của các nước châu Âu đã triển khai thành công nhiều chiến dịch truy quét tội phạm ma túy hoạt động quy mô lớn. Cụ thể, cảnh sát Tây Ban Nha vừa triệt phá một băng nhóm buôn ma túy lớn nhất ở thủ đô Ma-đrít. Trong khi đó, trong một chiến dịch truy quét tội phạm ma túy do Ðức và Bỉ phối hợp thực hiện, lực lượng chức năng hai nước này đã phát hiện tại cảng Hăm-buốc của Ðức 16 tấn cô-ca-in giấu trong các công-ten-nơ đến từ Pa-ra-goay, đồng thời thu giữ thêm 7,2 tấn cô-ca-in tại cảng An-vép của Bỉ. Ðây là lượng cô-ca-in bị thu giữ lớn nhất tại châu Âu từ trước đến nay.
Cùng với tội phạm ma túy, các loại hình tội phạm khác như tin tặc, rửa tiền, làm giả vắc-xin ngừa Covid-19… đang có nguy cơ gia tăng hoạt động tại châu Âu, bằng các chiêu thức ngày càng tinh vi. Báo cáo “Ðánh giá mối đe dọa của tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng” được Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) công bố gần đây nêu rõ, châu Âu đang trong tình trạng nguy hiểm khi đại dịch Covid-19 có thể làm gia tăng các loại hình tội phạm có tổ chức tại châu lục này trong những năm tới. Theo đó, sự gia tăng của loại hình tội phạm buôn bán ma túy sẽ kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều tội phạm bạo lực, bởi những kẻ phạm tội thường không ngần ngại sử dụng súng, lựu đạn cầm tay…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều tội phạm đang tìm cách kiếm lợi từ nhu cầu và nỗi sợ hãi của xã hội. Việc các nước coi vắc-xin ngừa Covid-19 như “ánh sáng cuối đường hầm” cho cuộc chiến chống đại dịch đã làm dấy lên những lo ngại về tình trạng các băng nhóm tội phạm lợi dụng tâm lý lo âu để bán vắc-xin giả hoặc đánh cắp nguồn cung vắc-xin. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) gần đây đã xác định được khoảng 3.000 trang mạng bán dược phẩm trực tuyến bị nghi ngờ bán thuốc và thiết bị y tế giả, trong đó có 1.700 trang sử dụng các mánh khóe để lừa đảo người dân cung cấp dữ liệu cá nhân hoặc chứa các phần mềm độc hại. Trước đó, Europol cảnh báo, ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, châu Âu đã chứng kiến làn sóng buôn bán khẩu trang và nước sát khuẩn giả, và giờ đây là sự gia tăng trong hoạt động buôn bán vắc-xin, các bộ dụng cụ xét nghiệm giả. Bên cạnh đó, tội phạm mạng cũng lợi dụng dịch Covid-19 để thực hiện hành vi ăn cắp thông tin.
Tin tặc thường nhắm đến những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch như trẻ em, những người mới thất nghiệp… để gửi nhiều email (thư điện tử) có nội dung liên quan dịch Covid-19. Những email này được thiết kế nhằm đánh lừa người dùng và sau đó đánh cắp mật khẩu của họ, hoặc chứa phần mềm độc hại để có thể chiếm lấy quyền kiểm soát máy tính của các nạn nhân.
Buôn bán ma túy, tin tặc, bán vắc-xin giả… là những dạng thức tội phạm đang “góp gió” cho cơn bão mang tên Covid-19. Cuộc chiến chống các hành vi phạm tội đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại châu Âu và trên toàn cầu. Cuộc chiến này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp nhịp nhàng của cơ quan an ninh các nước, cả trong cuộc sống thực lẫn trên không gian mạng, mà còn cần sự cảnh giác, thận trọng và tỉnh táo của mỗi người dân khi tiếp cận các nội dung trực tuyến, để họ không trở thành nạn nhân của các hành vi phạm tội trong thời kỳ Covid-19.
Ý kiến ()