Hội Chữ thập đỏ: Hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế
LSO- Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, từ 2007, dự án “Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế” của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) đã giúp đỡ hàng chục hộ gia đình ở các xã vùng 3 trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực, tạo đà thoát nghèo bền vững.
Nếu như gần 10 năm trước đây, ở xã Cường Lợi, huyện Đình Lập tuy người dân đã chú trọng đến việc phát triển kinh tế rừng, nhưng do chưa có điều kiện cũng như nguồn lực để phát huy thế mạnh từ rừng, các cánh rừng vẫn còn đa số là rừng gỗ tạp hoặc đồi núi trọc. Chính vì vậy, cái nghèo vẫn đeo bám người dân nơi đây. Nhưng đến thời điểm này, thay vào đó là những cánh rừng thông bạt ngàn xanh hút tầm mắt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Để có được thành quả như hiện nay, một phần là nhờ có dự án “Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế” của Hội CTĐ tỉnh. Dự án được Trung ương Hội CTĐ phân bổ nguồn vốn vay cho Lạng Sơn 200 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo vay phát triển kinh tế với lãi suất thấp (chỉ 0,3%); mức vốn vay tối thiểu từ 2 – 7 triệu đồng/hộ. Điều kiện cho vay là các hộ gia đình nghèo và có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế. Các hộ ký cam kết phải trả cả vốn lẫn lãi suất theo đúng kỳ hạn để Hội CTĐ luân chuyển sang xã khác để cho vay tiếp.
Người dân Đình Lập nhận tiền hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế.
Ông Lài Hữu Sinh, thôn Bản Pia, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập chia sẻ: Từ nguồn vốn vay dự án của Hội CTĐ, gia đình tôi đã có thêm nguồn lực để trồng mới gần 2 ha thông và chăm sóc, cải tạo diện tích trồng trước đó. Đến nay, gia đình tôi đã có khoảng trên 1.000 gốc thông cho khai thác, từ đó đã có thêm thu nhập. Chỉ trong 3 năm, gia đình đã hoàn trả được cả vốn lẫn lãi trên 5 triệu đồng. Còn diện tích trồng mới cho đến nay đã được 8 năm, chỉ còn vài năm nữa, rừng thông trồng từ dự án hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế của Hội CTĐ sẽ cho khai thác. Tôi tin chắc rằng, gia đình tôi sẽ thoát nghèo trong những năm tới. Còn gia đình Bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Bản Chu, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định lại chọn hướng phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay của dự án. Bà Thủy chia sẻ: gia đình tôi được vay vốn 5 triệu đồng từ dự án đã đầu tư xây dựng chuồng trại và con giống (lợn nái) để chăn nuôi. Chỉ sau một năm, từ con lợn nái đã sinh trưởng được 6 con, gia đình tôi nuôi hết số lợn đó. Sau mấy tháng chăn nuôi, xuất chuồng lứa đầu tiên, gia đình tôi đã có thêm vốn để đầu tư, mở rộng chuồng trại và tăng quy mô. Đến nay, gia đình tôi đã trả hết vốn và lãi, hằng năm có thêm thu nhập từ chăn nuôi khoảng 20 triệu đồng/năm. Trên đây chỉ là 2 trong tổng số 48 hộ gia đình trên địa bàn huyện Đình Lập và Tràng Định được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất thấp. Từ nguồn vốn vay của dụ án, các hộ gia đình đã lựa chọn hướng phát triển phát triển kinh tế phù hợp với lợi thế, thế mạnh của gia đình như phát triển trồng rừng, chăn nuôi gia súc, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ… Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Với chu kỳ luân chuyển 3 năm một lần, dự án “Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế” của Hội CTĐ sẽ luân chuyển được số vốn vay, hỗ trợ được nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tạo đà phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Tuy người nghèo đã có sự hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế nhưng thời gian tới, các cấp, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Thú y… tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân biết cách phòng, chống bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng cần định hướng cho người dân phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa tập trung để người dân thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Bài, ảnh: ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()