Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung: Cơ hội giao thương quốc tế
LSO - Hội chợ thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2013) là sự kiện kinh tế, văn hoá mang tầm quốc tế bởi đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hơn thế, nó được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đến để giao thương tìm kiếm bạn hàng.
LSO – Hội chợ thương mại Quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2013) là sự kiện kinh tế, văn hoá mang tầm quốc tế bởi đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hơn thế, nó được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đến để giao thương tìm kiếm bạn hàng.
Khách mua hàng tiêu dùng tại hội chợ Lạng Sơn
Mặc dù còn 6 ngày nữa mới diễn ra Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Trung năm 2013 nhưng đã có rất nhiều thương gia đến Lạng Sơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết họ đến trước để tìm hiểu thị trường, tìm cơ hội chiêu thương và tìm đối tác kinh tế. Trao đổi với chúng tôi, ông Diệp Minh Tài, Công ty TNHH Minh Tài chuyên kinh doanh kẹo dừa, các sản phẩm thực phẩm từ dừa tâm sự rằng, đây là lần đầu tiên ông đến tham dự hội chợ ở Lạng Sơn. Qua tìm hiểu thông tin ông biết có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến tham dự nên ông muốn tạo cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc. Để thâm nhập thị trường 1,3 tỷ dân này một cách an toàn, tốt nhất tìm hiểu cung cách làm ăn của họ tại hội chợ, ký kết giao thương có sự chứng kiến của chính quyền hai bên. Theo ông làm như thế là “chắc như gạch”.
Cho đến thời điểm hiện nay, Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt- Trung 2013 đã thu hút được 332 doanh nghiệp với 350 gian hàng. Trong đó có 40 gian hàng của trên 30 doanh nghiệp nước bạn. Điểm chung của các doanh nghiệp nước bạn đến hội chợ lần này là được các cơ quan chủ quản chọn lựa rất kỹ, họ đến không nhằm mục đích bán hàng thông thường mà chủ yếu để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Với các doanh nghiệp trong nước, mục tiêu chung cũng là để tìm bạn hàng. Vì vậy ngoài mục tiêu bán hàng tại hội chợ, các doanh nghiệp còn mục tiêu cao hơn đó là tìm các đối tác tiêu thụ lớn, tìm các đại lý để ký hợp tác dài lâu. Trước khi diễn ra hội chợ, nhà thầu Công ty du lịch hội chợ Quốc tế TCI và Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh đã thăm dò nguyện vọng của các doanh nghiệp và đã chuyển hướng kịch bản để các doanh nghiệp tăng diện tiếp xúc. Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Lạng Sơn khẳng định, vì nguyên nhân đó nên trong hội chợ sẽ tổ chức liên tục các hội thảo về hàng hoá, về mở rộng thị trường, khai thác thế mạnh khu vực… Những hội thảo ấy sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá về mình, tìm kiếm thị trường, chiêu thương và phát huy sức cạnh tranh của hàng hoá. Khác với các hội chợ lần trước, ngay trong những ngày này, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các hoạt động quảng bá sản phẩm, tìm cơ hội giao thương tại hội chợ. Ông Phạm Huy Chương, Giám đốc Công ty du lịch hội chợ Quốc tế TCI cho biết, hiện nay đã có trên 50 doanh nghiệp thực hiện quảng bá trước hội chợ. Chính các doanh nghiệp này đã tự tìm đến với nhau để thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm của nhau trong hội chợ. Hiện đã có 2 doanh nghiệp đồ gỗ, 1 doanh nghiệp bánh kẹo, và 6 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cơ khí đã tìm được cơ hội tiêu thụ sản phẩm ngay trước hội chợ. Đây chính là việc để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tìm bạn hàng lâu dài.
Hội chợ lần này nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên trên các trang thông tin chuyên ngành công thương, xúc tiến thương mại của 63 tỉnh, thành đều quảng bá các hình ảnh về hội chợ, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp, kết nối thị trường toàn quốc và quốc tế. Chính vì thế mà cơ hội cho quảng bá thương hiệu, sản phẩm sẽ càng có cơ hội vươn xa. Hội chợ cũng là dịp thu hút, quảng bá các sản phẩm du lịch. Trong những ngày diễn ra hội chợ, du lịch qua các miền di sản Việt Bắc, ước Lạng Sơn sẽ đón trên 50 ngàn lượt khách du lịch, đây cũng là điều kiện để quảng bá thương hiệu hàng hoá, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm trực tiếp tại hội chợ. Nhưng lớn hơn nó sẽ tạo mối quan hệ giao thương quốc tế nhằm kéo các doanh nghiệp xích lại gần nhau để cùng phát triển.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()