Hội CCB huyện Bắc Sơn: Chung sức giúp hội viên thoát nghèo
LSO – Mang trong mình bản chất truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, mỗi cán bộ, cựu chiến binh (CCB) huyện Bắc Sơn luôn nêu cao tính tiên phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực. Ngay từ đầu năm, Hội CCB đã đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong đó, các cấp hội đã chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chung sức giúp hội viên thoát nghèo. Đầu năm 2013, Hội CCB huyện đã triển khai công tác rà soát hộ nghèo và tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo khó là do hội viên còn thiếu kĩ năng, kiến thức phát triển kinh tế, thiếu vốn, tư liệu sản xuất và đất canh tác. Mặt khác, một số hội viên còn chưa cần kiệm, không chủ động trong hoạt động sản xuất. Vì vậy, Hội CCB huyện đã vận động cán bộ, hội viên CCB khắc phục khó khăn về thời tiết, chủ động đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa nhà dột nát và giảm nghèo bền vững.
Hội viên cựu chiến binh xã Long Đống sơ chế sản phẩm hồi
Nhằm giúp đỡ hội viên CCB thoát nghèo, Hội CCB đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để đầu tư kinh doanh sản xuất. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2013, tổng dư nợ mà Hội CCB nhận ủy thác từ NHCS-XH là 30,1 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp các hộ nghèo có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là với các hộ đang sinh sống tại các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa. Trong đó: chương trình cho vay hộ nghèo với tổng dư nợ hơn 12 tỷ đồng cho 529 hộ vay, chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với dư nợ 10,9 tỷ đồng cho 405 hộ vay, chương trình cho vay quỹ quốc gia về việc làm với tổng dư nợ 1,1 tỷ đồng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 70 hộ và 200 người lao động. Chương trình cho vay hộ nghèo xóa nhà dột nát đã kịp thời hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho 62 hộ để xây dựng nhà mới. Để hội viên sử dụng vốn có hiệu quả, Hội CCB đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn khoa học kĩ thuật, tạo sự giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi giữa các hội viên. Nhờ sự tuyên truyền cho hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo, kết quả thu được là đến nay, các hộ nghèo được vay tiền đã mua trâu, bò, gà, vịt, ngan, phát triển đàn dê, lợn nái sinh sản, hoàn toàn chủ động được con giống. Việc trồng rừng, trồng cây ăn quả và đầu tư dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp ngày càng phát triển. Các mô hình tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi lợn của ông Dương Công Long, xã Long Đống, mô hình chăn nuôi bò của ông Dương Văn Tích, xã Vũ Lăng…
Bên cạnh việc hỗ trợ các hội viên khó khăn để phát triển kinh tế thì Hội tiếp tục vận động các CCB có mô hình kinh tế đã có hiệu quả trước đó duy trì và phát huy hơn nữa. Điển hình như hộ ông Dương Thời Giang (xã Chiến Thắng) với mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng – rừng, thu nhập 250 triệu/năm; ông Nguyễn Văn Nhạc (xã Chiến Thắng) sản xuất vật liệu xây dựng, thu nhập 80 triệu đồng/năm; ông Đinh Văn Hòa (thị trấn Bắc Sơn) sản xuất than tổ ong, thu nhập 100 triệu đồng/ năm… Đây là những mô hình tiêu biểu được các hội viên CCB học tập kinh nghiệm để áp dụng tại mô hình của mình. Ngoài hoạt động phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu, hoạt động tình nghĩa cũng được các hội viên CCB quan tâm với nhiều hình thức đa dạng phong phú. Qua đó, hội đã kịp thời thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết; tổ chức giúp đỡ các hội viên khi ốm đau, hoạn nạn. Trong 10 tháng đầu năm, các cấp hội đã tổ chức được 68 lượt với số tiền 8,5 triệu đồng, đây là số tiền được trích từ nguồn quỹ hội. Thông qua những hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa như vậy đã được cán bộ, hội viên CCB tin tưởng, đồng tình và ngày càng gắn bó với hội.
Để có thể phát huy hơn nữa vai trò của Hội CCB, theo ông Dương Công Dũng, Chủ tịch Hội CCB huyện Bắc Sơn, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, vận động hội viên tích cực chủ động trong sản xuất phát triển kinh tế – xã hội và tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên CCB để áp dụng vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phối hợp với địa phương nhân rộng các mô hình kinh doanh có hiệu quả tạo công ăn việc làm cho hội viên và nhân dân.
Bài, ảnh: Khánh Trang
Ý kiến ()