Hội Bảo tồn dân ca tỉnh - Ngôi nhà chung của những người yêu dân ca Xứ Lạng
(LSO) – Lạng Sơn là vùng đất hội cư, sinh sống của 7 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông và Sán Chay (hay còn gọi là Cao Lan, Sán Chỉ). Những làn điệu dân ca của các dân tộc nơi đây đã cùng hòa quyện tạo nên bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc của Xứ Lạng. Đóng góp cho niềm tự hào ấy, phải kể đến vai trò của Hội Bảo tồn dân ca (BTDC) tỉnh với những nghệ sỹ không chuyên đã tô điểm và gìn giữ cho đời những làn điệu, câu hát của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội BTDC tỉnh cho biết: Hội được thành lập ngày 4/5/2010 với 142 hội viên. Hoạt động chủ yếu của Hội là sưu tầm, quảng bá, nghiên cứu, phổ biến truyền dạy dân ca, thành lập các câu lạc bộ (CLB) dân ca truyền thống. Đến nay, Hội đã phát triển được gần 1.000 hội viên yêu thích các làn điệu dân ca của các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ… sinh hoạt tại 50 CLB với nhiều độ tuổi khác nhau, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự trang trải kinh phí sinh hoạt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Hội viên Hội Bảo tồn dân ca tỉnh biểu diễn tại chương trình Giao lưu Dân ca, dân vũ các dân tộc tỉnh Lạng Sơn
Từ năm 2010 đến nay, Hội đã mở gần 200 lớp đàn và hát dân ca cho hàng ngàn lượt người tham gia, nhiều lớp chủ yếu ở các bộ môn: hát then, hát sli sình làng, sli sloong hàu, hát lượn, quan làng, cỏ lẩu, phong slư… Hội cũng quan tâm tổ chức trên 100 cuộc giao lưu liên xã, liên huyện, với các tỉnh bạn nhằm phát huy các làn điệu dân ca trong đời sống cộng đồng của các dân tộc với nhiều chương trình tiêu biểu như: lễ hội xuân ở các địa phương; hội xuân Chợ Bãi (Văn Quan), hội xuân Tô Hiệu (Bình Gia), chợ tình Tân Thành (Cao Lộc)… Giao lưu với Hội Bảo tồn dân ca của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên…
Bên cạnh đó, trong gần 10 năm qua (2010 – 2019), Hội đã đề xuất nhiều giải pháp và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo tồn và phát huy các vốn di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng như: tổ chức các hội hát sli sloong hàu, háng pỉnh 12/8 âm lịch năm 2013, 2014; Liên hoan dân ca Lễ hội xuân 2013; Liên hoan các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng năm 2014, thí điểm đưa dân ca vào chợ phiên năm 2018, đưa dân ca đến các điểm du lịch, di tích, danh thắng vào đầu năm 2019…
Đặc biệt, Hội đã hoàn thành xuất sắc 1 đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để bảo tồn, phát huy dân ca Xứ Lạng trong đời sống cộng đồng thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay” với 5 cuộc tọa đàm, hội thảo, 7 báo cáo chuyên đề, đề xuất 8 nhóm giải pháp, 14 mô hình hoạt động thiết thực, phù hợp, hiệu quả.
Song song với đó, Hội đã tiếp sức và xây dựng thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật, thu hút và truyền dạy cho cả những hội viên tuổi học trò. Tiêu biểu như: tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan; Trường THPT DTNT tỉnh; Trường Tiểu học Chi Lăng, Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn… Dân ca được lớp trẻ đón nhận, là thành công không nhỏ của những “bậc thầy” thuộc Hội BTDC tỉnh trong những năm gần đây.
Cùng với những hoạt động tích cực của Hội, đã có nhiều nghệ nhân được Nhà nước phong tặng là Nghệ nhân ưu tú như: Lưu Thị Tần, Hà Mai Ven, Vy Thị Liên và 3 nghệ nhân nhân dân, đó là bà Nông Thị Lìm, Mỗ Thị Kịt, Mông Thị Sấm. Với những kết quả đạt được, Hội đã được các cấp, ngành tặng nhiều giấy khen và bằng khen.
Bà Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội BTDC tỉnh cho biết: Đóng góp cho thành công của Hội phải kể đến công sức của nhiều hội viên đã nhiệt tình trong truyền dạy, quảng bá và sưu tầm, sáng tác các làn điệu dân ca và các nghệ sỹ, nghệ nhân tâm huyết. Mỗi hội viên của hội đều là những người giữ lửa cho các làn điệu dân ca quê hương, họ đã thổi hồn và lôi cuốn niềm đam mê nghệ thuật dân ca đến với đông đảo quần chúng, để làn điệu ấy luôn sống mãi với thời gian.
Có thể nói, Hội BTDC tỉnh đã tạo ra một vườn hoa âm nhạc dân tộc muôn sắc màu, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc; để những làn điệu, câu hát dân ca mãi là dòng nhật ký đầy sức sống lưu truyền vẻ đẹp sắc màu văn hoá của các dân tộc cho thế hệ mai sau.
Ý kiến ()