Hội Bảo tồn dân ca tỉnh: Góp phần khôi phục và bảo tồn dân ca Xứ Lạng
Hội viên CLB Nộc Khảm khắc, thị trấn Na Sầm hát then, đàn tính tại phiên chợ xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng (năm 2018)
– Những năm vừa qua, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đã phát huy vai trò gìn giữ, bảo tồn các làn điệu dân ca, từng bước khôi phục và đưa dân ca trở lại đời sống thường nhật của Nhân dân các dân tộc Xứ Lạng.
Một hoạt động tiêu biểu, hiệu quả trong việc khôi phục và đưa các làn điệu dân ca đến với cộng đồng do Hội Bảo tồn dân ca tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2020 đó là mô hình “Giao lưu chợ phiên” được triển khai đầu tiên tại chợ Phiên ngày 14 tháng 9 (âm lịch) năm 2018 ở thôn Háng Van, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng.
Đến chợ Háng Van hôm đó, người dân không đơn thuần chỉ mua sắm mà còn được đắm mình trong những làn điệu then mượt mà, bộc lộ niềm say mê của mình với những câu sli, lượn được cất lên tự nhiên, mộc mạc. Bà Hoàng Thị Xuân, thôn Bản Van, xã Hội Hoan cho biết: Đến chợ phiên hôm ấy, tôi như cảm nhận được không khí chợ phiên của hàng chục năm về trước khi tôi còn thanh niên. Thời ấy, mọi người đi chợ không chỉ để mua bán mà còn để giao lưu văn hóa văn nghệ, từ những câu hát dân ca mà kết bạn, kết duyên. Ngày hôm ấy, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, tôi lại được cất lên những câu hát lượn mà thời thanh niên, tôi từng cùng bạn bè hát khi đi chợ phiên.
Ngay từ phiên chợ điểm Háng Van đã thu hút khoảng 300 lượt người dân theo dõi và trên 50 người dân tham gia giao lưu dân ca. Trước đó, hội đã lựa chọn các hạt nhân trong các câu lạc bộ (CLB) dân ca trực thuộc hội tại địa phương làm nòng cốt để khuấy động chương trình. Bà Hoàng Thị Thúy, Chủ nhiệm CLB Nộc Khảm khắc, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Để mô hình được thực hiện có hiệu quả, chúng tôi đã lựa chọn trong CLB các hội viên năng động, nhiệt huyết, có khả năng hoạt náo và đối đáp dân ca để làm “đầu đàn”. Tại phiên chợ, các hạt nhân sẽ khởi xướng và tiên phong hát để thu hút sự chú ý của người dân, mời người dân cùng tham gia hát các làn điệu dân ca và múa chầu then.
Sau thành công từ phiên chợ Háng Van, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đã thực hiện thành công 9 cuộc giao lưu dân ca chợ phiên tại các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan… Hoạt động được tổ chức liên tục trong hai năm: 2018, 2019 (năm 2020, 2021 tạm dừng do dịch COVID-19) đã góp phần dựng lại nét văn hóa truyền thống giao lưu dân ca tại các phiên chợ và thu hút trên 2.000 lượt người dân theo dõi, hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài ra, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Liên hoan Dân ca cấp tỉnh lần thứ nhất vào tháng 8/2020.
Không chỉ phát huy vai trò bảo tồn, gìn giữ mà một số hội viên còn không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, cải biên, đặt lời mới cho trên 100 bài dựa trên các làn điệu dân ca; tích cực trong truyền dạy dân ca trong cộng đồng, đặc biệt là cho học sinh. Ước tính từ năm 2015 đến nay, các hội viên trong các CLB trực thuộc hội đã truyền dạy các làn điệu then, sli, lượn cho trên 1.000 lượt người.
Với “mạng lưới” gần 500 hội viên, sinh hoạt trong 50 CLB trực thuộc hội ở khắp các huyện, phong trào hát dân ca thời gian qua đã lan tỏa sâu trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều người, thúc đẩy phong trào đàn – hát dân ca phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Trong hầu hết các sự kiện của địa phương đều có các tiết mục dân ca chào mừng. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 đến nay, các CLB dân ca trực thuộc hội đã tham gia biểu diễn trên 300 hội nghị, sự kiện do các cấp tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca, vốn quý của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tiếp tục nhân rộng mô hình giao lưu dân ca chợ phiên mà trong hai năm qua (2020, 2021) chưa thực hiện được do dịch COVID-19; tăng cường nắm bắt, tiếp cận và khuyến khích thành lập các CLB dân ca một số loại hình ngoài then, sli, lượn của Tày – Nùng; quan tâm phát triển hội viên trẻ…
Có thể thấy, nếu như trước đây, dân ca Xứ Lạng có nguy cơ mai một thì những năm qua, các hoạt động của hội đã góp phần dần “hồi sinh” phong trào hát dân ca Xứ Lạng như: hát then – đàn tính, hát sli, lượn. Qua đó, còn góp phần gìn giữ và bảo tồn các yếu tố đi kèm như: tiếng nói, trang phục, phong tục dân tộc. Với vai trò và những kết quả đạt được, tháng 10/2021, 5 tập thể và 10 cá nhân của hội được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 7 tập thể, 30 cá nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng về thành tích xuất sắc trong xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca các dân tộc trong đời sống cộng đồng giai đoạn 2015 – 2020.
Ý kiến ()