Học viện Quốc phòng: Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào huấn luyện - đào tạo
Học viện Quốc phòng là trung tâm huấn luyện – đào tạo, nghiên cứu khoa học quốc phòng, quân sự hàng đầu của quốc gia, có uy tín và vị thế ngày càng cao trong khu vực và thế giới.
Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, nâng cao chất lượng huấn luyện-đào tạo cán bộ cao cấp cho Đảng, Nhà nước và Quân đội là nhiệm vụ chính trị trung tâm – một trong ba khâu đột phá then chốt quyết định mà Học viện đã và đang triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ với các nội dung, giải pháp thiết thực, hiệu quả; được thể hiện ở những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào huấn luyện – đào tạo
Nghiên cứu quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là một yêu cầu có tính nguyên tắc, bắt buộc và là cơ sở rất quan trọng bảo đảm định hướng và không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện – đào tạo ở Học viện Quốc phòng.
Cán bộ Khoa Quân sự địa phương, HVQP bồi dưỡng nghiệp vụ cho giảng viên trong khoa. Ảnh: Ngọc Nam |
Theo đó, Học viện đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTW) về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới.
Kết luận số 60-KL/QUTW của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 – 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI…
Đặc biệt, Học viện đã tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát nội dung Nghị quyết đã chỉ rõ về giáo dục và đào tạo: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”. Trên cơ đó, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không ngừng nâng cao chất lượng HL-ĐT của Học viện.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện – đào tạo
Chất lượng HL-ĐT là tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp huấn luyện giữ vai trò rất quan trọng; nhằm nâng cao chất lượng HL-ĐT, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới phải bám sát đối tượng đào tạo, yêu cầu, nhiệm vụ, gắn lý luận với thực tiễn xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Trao giải tại Liên hoan các câu lạc bộ tiếng Anh Học viện Quốc phòng năm 2021. Ảnh: Ngọc Nam |
Học viện đã tích cực, chủ động đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, từng bước cập nhật sự phát triển của nền giáo dục hiện đại. Chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo từ trang bị kiến thức về quân sự, quốc phòng là chủ yếu sang nâng cao tư duy cấp chiến dịch, chiến lược, có trình độ, năng lực toàn diện cả về chính trị, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội…; nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cao cấp của Quân đội, của Đảng, Nhà nước không chỉ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, giỏi về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động thực tiễn công tác quốc phòng, quân sự ở tầm chiến dịch – chiến lược, mà còn phải đạt tới tầm “chính khách”, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, Học viện đã hoàn thành xây dựng chương trình đào tạo hợp nhất 3 đối tượng đào tạo: Chỉ huy – Tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược; Cao cấp Quân sự địa phương và Tham mưu tác chiến cấp chiến dịch, chiến lược thành Đào tạo Cao cấp ngắn hạn Chỉ huy – Tham mưu chiến dịch, chiến lược (giảm bớt đối tượng, số lớp học, kinh phí đào tạo), đáp ứng mục tiêu đào tạo cán bộ tốt nghiệp ra trường đảm nhiệm được các cương vị công tác khác nhau như quân sự, chính trị, hậu cần kỹ thuật… và cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược.
Đồng thời, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, Học viện luôn chú trọng đổi mới mạnh mẽ, vận dụng rộng rãi phương pháp dạy học tích cực phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại; phát huy cao độ khả năng tự học tập, tự nghiên cứu của học viên, nhằm tạo sự chủ động, tích cực trong quá trình dạy và học. Xây dựng, quản lý, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác huấn luyện – đào tạo và nghiên cứu khoa học; phấn đấu đến năm 2030, trở thành Học viện “thông minh”.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng huấn luyện – đào tạo
Đây là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng, nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo”2; gắn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng huấn luyện – đào tạo là vấn đề có tính nguyên tắc, là hai trong ba khâu đột phá thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện Quốc phòng.
Công tác nghiên cứu khoa học được coi trọng, ưu tiên “đi trước” một bước; qua nghiên cứu khoa học cung cấp các luận cứ, đúc rút khái quát thực tiễn thành lý luận; lý luận được xây dựng mới phù hợp sẽ đáp ứng thực tiễn huấn luyện – đào tạo cán bộ cao cấp tại Học viện. Kết quả nghiên cứu khoa học sẽ kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định các chủ trương, chính sách, chiến lược về quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, qua nghiên cứu khoa học, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu đưa vào giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng huấn luyện – đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cao cấp tại Học viện Quốc phòng.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo của Học viện trong thời kỳ mới
Trong giáo dục – đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục – đào tạo. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt… thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”3.
Quán triệt tinh thần đó, Học viện tiếp tục nghiên cứu các chủ trương, giải pháp tích cực, đồng bộ, hiệu quả, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có số lượng đủ theo biên chế, cơ cấu hợp lý, chuẩn hóa và có chất lượng cao; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực, trí tuệ, tâm huyết; có trình độ học vấn, năng lực tư duy tầm chiến dịch – chiến lược, kiến thức toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có kỹ năng sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp; được trải nghiệm qua thực tế lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch – chiến lược, phù hợp với cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên đạt tiêu chí, tiêu chuẩn về chức danh; trong đó, có 95% trở lên đạt trình độ sau đại học; trên 35% giảng viên giảng dạy tốt cho các lớp đào tạo cán bộ chiến dịch – chiến lược, lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; 20% trở lên giảng viên giảng dạy được bằng tiếng Anh cho học viên quốc tế; 10-15% giảng viên đạt chức danh Phó Giáo sư. Phấn đấu thời gian tới, Học viện có Giáo sư, nâng tỷ lệ Phó Giáo sư, có 4-5 nhà giáo đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú…; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ HL-ĐT cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Giảng viên Khoa Lý luận Mác-Lênin thuyết trình trong giờ giảng. Ảnh: Ngọc Nam |
Thứ năm, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá kết quả, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng huấn luyện – đào tạo
Đẩy mạnh thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”; “Dạy thực chất, học thực chất, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất” trong huấn luyện – đào tạo. Đánh giá đúng thực chất huấn luyện – đào tạo, nhất là kết quả học tập của học viên là một trong những nội dung quan trọng, là cơ sở để đánh giá chính xác chất lượng huấn luyện – đào tạo.
Tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả phù hợp với từng đối tượng học viên, từng nội dung huấn luyện – đào tạo. Đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học viên và chất lượng giảng dạy của giảng viên; kiên quyết khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, thi tốt nghiệp, trong nhận xét, đánh giá kết quả học tập đối với học viên… Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về huấn luyện – đào tạo; nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, kịp thời có các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện – đào tạo của Học viện trong những năm tới.
Nâng cao chất lượng huấn luyện – đào tạo là một nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện Quốc phòng. Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, quan điểm, nghị quyết của Đảng nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào huấn luyện – đào tạo là trách nhiệm của cấp uỷ, chỉ huy các cấp, của mọi cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Quốc phòng; nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương: Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng chiến đấu ở đơn vị, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Ý kiến ()