Học và làm theo nhân cách Bác Hồ
Giờ nghỉ trưa Người vẫn thường đọc báo – Ảnh: Tư liệu |
Với trách nhiệm và tâm huyết, các nhà nghiên cứu về Bác đã dầy công tìm tòi, tổng kết một cách khoa học và thực tiễn nhân cách của Bác thể hiện trên một số điều cơ bản: Tấm gương đạo đức, tận tụy quên mình: Là nhân cách cao đẹp, nổi bật nhất của Bác. Cuộc đời của Bác luôn hy sinh lợi ích riêng để kiên trung, bất khuất, vượt mọi khó khăn, thử thách tìm đường cứu nước, cứu dân, thoát khỏi ách nô lệ, lầm than của kẻ thù xâm lược – giành lấy độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Vì vậy, khi Bác Hồ mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho thanh niên Việt Nam yêu nước (1925) tại Quảng Châu (Trung Quốc) – Bác lấy 23 điều tư cách người cách mạng lên hàng đầu, là nội dung trọng tâm của lớp học. Nội dung chính của tận tụy quên mình được Bác thực hiện cũng như giáo dục cán bộ, đảng viên, quân đội là phải trung với nước, hiếu với dân, suốt đời tận tụy quên mình hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Về điều này, Bác thường dạy và Người làm đúng như vậy: “Bài học chính trong đời tôi là tuyệt đối và hoàn toàn cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc, giải phóng giai cấp công nhân và dân tộc bị áp bức, cho sự thắng lợi của CNXH, cho sự hợp tác anh em và hòa bình giữa các dân tộc”.
Đức tính kiên trì bất khuất trải qua hơn nửa thế kỷ, Bác đã cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh dành thắng lợi to lớn gây tiếng vang trên toàn thế giới, để bài học quý báu cho nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác rất kiên trì đối phó thù trong, giặc ngoài, biết mấy gian lao thử thách. Trong cuộc sống chiến đấu và tù đầy đe dọa tính mạng của Người, tinh thần bất khuất ấy làm cho kẻ thù hung bạo nhất của thế kỷ XX phải khuất phục, đầu hàng trước sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Điều kì diệu là chính đức tính kiên trì, anh dũng bất khuất, quyết tâm, bền bì của Bác đã trở thành của những người lãnh đạo bên Bác, là tài sản tinh thần của Đảng ta và của nhân dân ta. Đức kiên trì, bất khuất, tận tụy quên mình của Người là tấm gương sáng cho nhân dân ta học tập và làm theo, thì – nhân cách khiêm tốn, giản dị của Bác, lại là điều rất hiếm có đối với vị lãnh tụ vĩ đại giúp cho mọi người có thể làm theo gương Bác hàng ngày và thường xuyên. Không những chỉ nhân dân Việt Nam, mà cả nhân dân thế giới đều biết Bác luôn mặc bộ ka ki bạc màu, đi đôi dép lốp, ở nhà sàn bằng gỗ, gắn bó với Việt Bắc nơi Bác đã sống và làm việc. Người vẫn thường dạy cán bộ, đảng viên rằng: “Ít ham muốn vật chất”, “không háu danh kiêu ngạo”. Di chúc thiêng liêng của Người còn thể hiện nhân cách khiêm tốn, giản dị: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức linh đình, lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân… trên mả không nên có bia đá, tượng đồng mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến viếng thăm có chỗ nghỉ ngơi…”. Ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác) kể, khi Người sống ở Phủ Chủ tịch, hàng ngày tự đi bộ xuống nhà bếp ăn cơm để rèn sức khỏe, gặp nhiều người (không nhờ người phục vụ đưa cơm về cho Bác) kể cả trời nắng cũng như trời mưa.
Nhân cách cao đẹp của Bác còn thể hiện ở lý tưởng vừa nhất quán, vừa hài hòa về con đường đi lên của sự nghiệp cách mạng Việt Nam: Đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin mà không rời tinh hoa dân tộc, kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, độc lập dân tộc đi liền với CNXH. Tư tưởng của Bác đã chỉ đường cho Đảng ta, nhân dân ta vũ khí sắc bén mục tiêu của sự nghiệp giải phóng dân tộc đi lên con đường CNXH, giờ đây là hòa bình, hội nhập và phát triển, trên cơ sở, đảm bảo độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, Đảng ta khẳng định: “Lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ Nam cho hành động cách mạng” (ĐH 9 ĐCS VN, 4/2001).
Chúng ta không sao kể xiết, tình cảm của Bác Hồ đối với nhân loại nói chung cũng như đối với nhân dân Việt Nam nói riêng. Bác luôn có lòng thương người, quý trọng con người, đối xử với người có lý có tình; yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên. Thương người của Bác, không chỉ có lòng thông cảm chung chung, mà là tìm cách giải phóng cho người lao khổ, giải phóng cho một dân tộc bị áp bức bóc lột, đi sâu vào cuộc sống của mọi người xung quanh. Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Bác kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất, cứu đói, chống nạn thất nghiệp và chống mù chữ. Người kêu gọi mỗi tháng nhịn ăn 3 lần góp gạo cứu đói. Về phần Bác cũng góp gạo như mọi người dân. Lần đầu tiên Bác cũng ra trận tham gia chiến dịch giải phóng biên giới năm 1950; Người ăn, ở cùng chiến sỹ; cho áo ấm thương binh Pháp, không đi ngựa mà chỉ đi bộ bằng đôi chân của mình hành quân cùng chiến sỹ. Người rất yêu thiên nhiên hùng vĩ ở Việt Bắc, trung du, miền núi và phong cảnh quê hương của Bác. Sự yêu thiên nhiên của Bác là sự tổng hòa giữa phong cảnh, môi trường trong lành tốt cho sức khỏe con người và thiên nhiên đã góp phần quan trọng vào các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Bác coi thiên nhiên là bạn tri ân, bạn chiến đấu của Người. Trên đường ra chiến dịch hay nơi ở Việt Bắc, Người thường chọn địa điểm: “Trên có nước, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta chơi,… gần dân, không gần đường…” (Lời kể của ông Vũ Kỳ thư ký của Bác), được như vậy, Bác tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn trong những giờ phút căng thẳng, thiên nhiên như có tình người. Khi Bác ngồi trong tù Quốc dân Đảng. Người coi trăng là bạn:… người ngắm trăng soi ngoài của sổ/Trăng dòm khe cửa ngắm nhà thơ…
Đảng ta, nhân dân ta cũng như nhân dân thế giới đều tôn kính Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại. Cuộc sống của Người rất bình thường, giản dị, đạo đức trong sáng, gần gũi nhân dân, mọi người đều có thể phấn đấu học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Mấy năm nay, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo được nề nếp học tập nghiêm túc và thường xuyên rèn luyện đạo đức lối sống và phong cách làm việc tốt hơn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đâu đâu cũng có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt.
Ý kiến ()