Học tập và làm theo phong cách khiêm tốn của Bác Hồ
LSO-Lúc sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có thời gian dài gần Bác Hồ. Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/1990) có một loạt bài đăng trên báo nhân dân với tiêu đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp”. Ông đã khái quát toàn diện về Bác gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là vĩ đại song khiêm tốn và giản dị.
Hồ Chủ tịch và đồng chí Phạm Văn Đồng – Ảnh: Tư liệu |
Chúng tôi đã tìm đọc, nghiên cứu các bài viết của Thủ tướng và một số tác phẩm lớn của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia trong các tuyển tập Hồ Chí Minh và một số tác giả, tác phẩm khác viết về Bác Hồ. Đặc biệt có một thời gian, chúng tôi được gặp một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và một số bộ, ngành Trung ương như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Cù Huy Chước, Vũ Kỳ… Trong nội dung báo cáo, xin ý kiến, các đồng chí lãnh đạo đều nói công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng nước ta và luôn nhắc nhở, khuyên bảo chúng tôi: Bác là lãnh tụ vĩ đại, nhưng là người có đức tính thực tế, khiêm tốn, giản dị gần dân, được nhân dân tin yêu; chắc rằng không có bút mực nào viết được đầy đủ về Bác, không có lời ca nào nói hết được về sự vĩ đại và thiêng liêng đối với Bác. Tên người đã đọng lại trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới như một điều thật tự nhiên và gần gũi.
Giờ đây, khi có dịp đọc cuốn “Hồ Chí Minh với người cao tuổi và tổ chức của Người cao tuổi” trong đó có bức thư của Bác Hồ gửi cho cụ Bùi Bằng Đoàn ghi tháng 5/1948 càng thấy đức tính khiêm tốn tuyệt vời của Bác. Câu chuyện ấy có thể tóm lược như sau: Để chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố (Bác gọi thân mật là cụ Tố), Người đã thảo xong lời truy điệu rồi gửi cho cụ Bùi Bằng Đoàn để nhờ cụ Đoàn xem sửa giúp. Chúng tôi xin chép toàn văn bức thư này của Bác: “Kính gửi cụ Bùi, Trưởng ban thường trực Quốc hội. Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế. Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa được thì ta làm văn xuôi vậy. Khi tôi thảo xong đọc lại, nghe khá trướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem. Mong kỳ hội đồng sau sẽ được gặp cụ. Kính chúc cụ mạnh khỏe và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan và cụ Vi. Chào thân ái và quyết thắng. Tháng 5 năm 1948”. (Bức thư của Bác trình bày đẹp, rất chu đáo; để phù hợp bài báo này, xin viết theo dạng liền mạch văn xuôi).
Vậy cụ Tố là ai? Qua tham khảo, khai thác tài liệu, xin tóm tắt như sau: Cụ Nguyễn Văn Tố, sinh ngày 5/6/1889 tại làng Đồng Thành, Thọ Xương (cũ), nay là số nhà 78 phố Bát Xứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụ vốn là nhà trí thức nho học, Tây học, tốt nghiệp trường Thông Ngôn. Thời ấy, cụ là hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ từ trước năm 1945, khi Xứ ủy Bắc kỳ năm 1938 công khai chống nạn mù chữ. Cụ là đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, khóa I (1946); Bộ trưởng Bộ Cứu tế – xã hội (nay là Bộ LĐTB&XH) trong Chính phủ Hồ Chí Minh; làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Ngày 3/11/1946, cụ Tố còn giữ chức vụ Bộ trưởng Không bộ trong Chính phủ. Đến 8/11/1946 thì cụ Bùi Bằng Đoàn đảm nhiệm thay thế cụ Tố làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Sau 1945 Bác Hồ cùng cụ Tố mới có dịp gặp nhau. Ngày 7/10/1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, cụ Tố bị giặc bắt và giết hại lúc cụ 58 tuổi. Theo tài liệu cho biết, phần mộ của cụ Tố được các nhà nghiên cứu phối hợp với lãnh đạo địa phương, gần đây – ngày 10/7/2007 đã tìm thấy ở một khu rừng thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Trong năm 1948 tổ chức lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố. Vì vậy, Bác Hồ đã đích thân viết lời truy điệu và có thư gửi cụ Bùi Bằng Đoàn xem sửa giúp như câu chuyện mà chúng tôi đã tóm lược trên đây. Về sau này cụ Đoàn có sửa giúp Bác hay không, chúng tôi chưa có tài liệu. Nhưng được biết Bác Hồ đã viết trong lời truy điệu như sau: “Nhớ cụ xưa, văn chương thuần túy, học vấn cao sâu/thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng/phú qúy công danh cụ nào có thiết/… chúng tra tấn cực kỳ tàn khốc dã man/cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt/chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một xấu xa…”.
Khi cầm bút viết bài này, chúng tôi đã mạn phép được suy nghĩ và có cảm nhận; nếu được bạn đọc trong tỉnh, nhất là những người hay viết, nhà báo, hội viên hội văn học nghệ thuật cũng như bạn đọc xa gần khi có dịp đọc bài này sẽ cùng nhau nhận thức sâu sắc đức tính khiêm tốn của Bác đến nhường nào, càng khắc sâu trong tâm khảm: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, dù bận trăm công nghìn việc vẫn gần gũi nhân dân.
Ý kiến ()