Hơn lúc nào hết, trong học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), người cán bộ, đảng viên đứng đầu cơ quan cần cảm nhận sâu sắc và thực sự trân trọng bản lĩnh và trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đừng cố tạo dựng uy tín của mình bằng câu nói gây ấn tượng hay sự tán dương của một số người hoặc bằng một số việc làm phô trương mang tính mỵ dân. Toàn Đảng bộ tỉnh ta hãy bằng chính tâm huyết của mình trong hoạt động lãnh đạo, quản lý phấn đấu theo định hướng “đúng ý Đảng, hợp lòng dân, hiệu quả thực tiễn cao”* để rèn luyện, kiểm nghiệm nghiêm ngặt và khẳng định bản lĩnh và uy tín của mình. Đó là sự khẳng định có sức thuyết phục nhất và là cơ sở quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
LSO-Bản lĩnh và sự gương mẫu của người cán bộ đảng viên có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của chế độ xã hội và sự thịnh suy của quốc gia, dân tộc. Đây chính là một vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm nổi lên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trường THPT thành phố Lạng Sơn – Ảnh: T.L
Trong thực tiễn, bản lĩnh và sự gương mẫu của người cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn gắn bó hữu cơ trong một chính thể thống nhất, không thể tách rời. Về thực chất, bản lĩnh của con người là tổng hợp những phẩm chất, nhân cách đã phát triển chín muồi, đạt đến trình độ tự giác tạo nên năng lực làm chủ hoàn cảnh và làm chủ bản thân, được thể hiện tập trung ở trách nhiệm cá nhân cao, thống nhất với tính chủ động, tích cực và năng lực sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong việc tự hoàn thiện mình. Trong học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thì bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên phải được thể hiện sâu sắc ở tính tiền phong, gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhất là người đứng đầu “phải thực sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”*. Người cán bộ, đảng viên có bản lĩnh không chỉ sống và cống hiến hết mình cho dân cho nước, mà còn hết sức giữ mình để không bị tha hóa. Không chỉ có sức đề kháng mạnh mẽ để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn công kích của các thế lực thù địch, mà còn có khả năng miễn dịch tốt để ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Không bị cuốn hút vào vòng xoáy của chủ nghĩa cá nhân cơ hội, thực dụng. Nếu người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu không giữ được mình, không gương mẫu thì không thể là người có bản lĩnh và do đó không thể thực hiện được trọng trách của mình, sớm muộn cũng bị đào thải theo quy luật của cuộc sống.
Bản lĩnh và sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải được thể hiện, trước hết ở cái tâm trong sáng “Dĩ công vi thượng”- đem lòng chí công vô tư mà xử trí mọi việc, đối xử với mọi người và chính bản thân mình. Đây là điều cốt yếu trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là cái đức lớn nhất của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã góp phần tạo nên sự trưởng thành của Đảng và sự phát triển của đất nước. Đây cũng là vấn đề cấp thiết nhất trong “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng”*. Trước thực tế không ít cán bộ, đảng viên nhờ có chức, có quyền mà giàu lên nhanh chóng làm cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức bức xúc. Họ chạy theo những toan tính cá nhân thì làm sao có thể tập trung cao độ tâm huyết và trí tuệ để lo việc dân, việc nước. Không có cái đức “Dĩ công vi thượng” thì đâu còn là cán bộ của Đảng, của dân.
Học tập triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) yêu cầu bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu phải được thể hiện tập trung ở tính Đảng cao, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Với trọng trách và quyền hạn của người chủ trì, lại được giao quản lý nắm giữ khối lượng tài sản lớn của tập thể và của Nhà nước, người đứng đầu dễ mắc bệnh gia trưởng, độc đoán và sa vào những toan tính cá nhân vụ lợi, thực dụng. Để tránh được nguy cơ đó, người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các nguyên tắc, quy định, quy trình và chế độ công tác. Có phong cách dân chủ, thực sự tôn trọng trí tuệ của tập thể lãnh đạo, lắng nghe ý kiến của đảng viên và quần chúng làm cơ sở để có những quyết đoán đúng đắn và tổ chức thực hiện có hiệu quả trọng trách của mình. Người đứng đầu phải biết chú ý ba khâu rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý là: tiếp nhận xử lý thông tin và phát hiện vấn đề; dùng người và quy tụ lực lượng; lựa chọn và quyết định phương án, trong đó quan trọng nhất là việc dùng người. Người đứng đầu thực sự có bản lĩnh phải công tư phân minh, có tầm nhìn xa trông rộng, trọng dụng hiền tài, biết dùng người giỏi hơn mình, biết nghe ý kiến phê bình, phản biện đôi khi gay gắt nhưng trung thực. Không cục bộ địa phương, không vì thân quen hay tiền bạc mà rời bỏ nguyên tắc; không đố kỵ, hẹp hòi, cố chấp và điều đặc biệt quan trọng là phải tự biết mình, biết tự phê bình thật sự nghiêm túc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người…Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”*.Bản lĩnh và sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên của người đứng đầu cũng phải được thể hiện rõ nét ở sự giữ gìn đạo đức và lối sống trong sạch, lành mạnh. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta là đạo đức, là văn minh, trước hết và cốt lõi là “vững mạnh, trong sạch, kiểu mẫu”. Sự gương mẫu về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một vấn đề trọng yếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu có giữ được mình trong sạch, lành mạnh mới có sức cảm hoá, thuyết phục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không lạm dụng quyền lực mà kết hợp chặt chẽ giữa pháp lý và đạo lý trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Khi người lãnh đạo không giữ được mình sẽ từng bước tự chuyển hóa, từ sự tha hóa về đạo đức, lối sống đến tha hóa về tư tưởng chính trị, từ cơ hội thực dụng về kinh tế đến thực dụng về chính trị.
Bản lĩnh và sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu còn phải được thể hiện rõ nét ở việc xử trí các tình huống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại liên quan đến chức trách được giao. Người đứng đầu có tâm và có tầm luôn chủ động xử lý các tình huống nảy sinh đúng quan điểm, đường lối của Đảng, hợp với lòng dân và sát thực tiễn trên cơ sở “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải là chân lý”*. Trong tự phê bình và phê bình nếu người đứng đầu kém bản lĩnh và thiếu gương mẫu sẽ bị động, lúng túng trong xử lý tình huống và nói dân không tin, không nghe. Và khi đó nếu họ lợi dụng quyền lực và sử dụng các thủ đoạn thiếu tính nhân văn, đôi khi dẫn đến hậu quả nguy hại là “đưa dân đối lập với Đảng và Chính phủ”* như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo.
Hơn lúc nào hết, trong học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), người cán bộ, đảng viên đứng đầu cơ quan cần cảm nhận sâu sắc và thực sự trân trọng bản lĩnh và trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đừng cố tạo dựng uy tín của mình bằng câu nói gây ấn tượng hay sự tán dương của một số người hoặc bằng một số việc làm phô trương mang tính mỵ dân. Toàn Đảng bộ tỉnh ta hãy bằng chính tâm huyết của mình trong hoạt động lãnh đạo, quản lý phấn đấu theo định hướng “đúng ý Đảng, hợp lòng dân, hiệu quả thực tiễn cao”* để rèn luyện, kiểm nghiệm nghiêm ngặt và khẳng định bản lĩnh và uy tín của mình. Đó là sự khẳng định có sức thuyết phục nhất và là cơ sở quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
*Trích từ: Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và Hồ Chí Minh: toàn tập
Mai Tùng
Ý kiến ()