LSO-Để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình theo nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các chi bộ cần có nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trước hết cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình phải thực sự dân chủ, thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; xây dựng bầu không khí chân thành, cởi mở, lành mạnh, tạo điều kiên thuận lợi cho đảng viên nói rõ quan điểm, nhận thức của mình. Trong kiểm điểm, chi bộ phải làm rõ được ưu điểm, khuyết điểm về lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gắn với giáo dục, rèn luyện đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã dạy: “Phê bình cốt để giúp nhau...
LSO-Để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình theo nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các chi bộ cần có nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trước hết cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình phải thực sự dân chủ, thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; xây dựng bầu không khí chân thành, cởi mở, lành mạnh, tạo điều kiên thuận lợi cho đảng viên nói rõ quan điểm, nhận thức của mình. Trong kiểm điểm, chi bộ phải làm rõ được ưu điểm, khuyết điểm về lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gắn với giáo dục, rèn luyện đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã dạy: “Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm chọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”*.
Chất lượng tự phê bình và phê bình của chi bộ phụ thuộc rất nhiều vào bí thư, cấp ủy chủ trì, điều hành hội nghị. Vì vậy, bí thư, cấp ủy chi bộ phải xây dựng nội dung sinh hoạt tự phê bình và phê bình hết sức chặt chẽ, cụ thể, sát với tính chất nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ. Cấp ủy phải có tài liệu gửi trước cho đảng viên nghiên cứu. Khi họp, người chủ trì nêu những vấn đề cần trao đổi, góp ý, dành nhiều thời gian cho đảng viên phát biểu. Trong sinh hoạt, người chủ trì cần tạo điều kiện thuận lợi để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; đề cao tính chiến đấu, mạnh dạn nói thẳng, nói thật. Đồng thời phải chú ý đấu tranh, khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm “dễ người dễ ta”, không có chính kiến của mình. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu gương, đi đầu trong việc tự phê bình và phê bình cho cấp dưới. Bí thư, cấp ủy tự phê bình trước, đảng viên làm sau. Nội dung tự phê bình và phê bình phải gắn với nhiệm vụ, chức trách được giao. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, tập trung kiểm điểm làm rõ nguyên nhân mạnh, yếu của cán bộ, đảng viên để có biện pháp khắc phục kịp thời. Chi bộ nào biết phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng và được quần chúng tham gia ý kiến xây dựng Đảng, thì ở đó sự lãnh đạo của chi bộ được tăng cường. Để tự phê bình và phê bình đạt chất lượng tốt, cấp ủy, chi bộ phải xây dựng quy chế, xác định nội dung, hình thức thích hợp để các tổ chức và quần chúng tham gia phê bình. Đồng thời phải có thái độ chân thành tiếp thu ý kiến phê bình và kịp thời thông báo kết quả xử lý đảng viên cho quần chúng. Nhằm chống các hiện tượng lợi dụng dân chủ để bôi nhọ cán bộ, đảng viên, hạ thấp uy tín của người đứng đầu, bí thư, cấp ủy chi bộ, cần phải phát huy tốt vai trò của ba lực lượng tham gia đánh giá đảng viên (là tổ chức đảng, tổ chức quần chúng nơi đảng viên sinh hoạt và nhận xét của cấp ủy cấp trên). Cấp ủy và ủy ban kiểm tra Đảng cấp trên cần thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những chi bộ, đảng viên không thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng; cần có biện pháp động viên, khuyến khích, bảo vệ người phê bình, dũng cảm chống tiêu cực.
Để bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định, cấp ủy, chi bộ cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của mình. Quy chế lãnh đạo của cấp ủy phải được thống nhất và triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo được sự đồng tình cao trong toàn chi bộ, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cũng như chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, đảng viên.
Phát huy vai trò của chi bộ trong tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm cho Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đạt được kết quả thiết thực.
Mai Tùng
Ý kiến ()