Học tập phong cách sống giản dị và tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm vườn rau muống trong khu Phủ Chủ tịch (6-1957). ( Ảnh: Ảnh tư liệu )Tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng vì dân, vì nước, cùng với tính giản dị vĩ đại và sự khiêm tốn cao độ của Người được cả thế giới ca ngợi và khâm phục. Con người Hồ Chí Minh, từ lúc làm một thợ ảnh bình thường ở ngõ hẻm Compoint nước Pháp đến khi làm Chủ tịch nước Việt Nam, vẫn sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã từ câu nói, tác phong đến vật dụng, tư trang hằng ngày, từ bữa ăn đến cách sống hòa mình với nhân dân.Thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng như các đồng chí khác phải ăn cháo bẹ, rau măng ròng rã. Khi đi công tác, ngoài những đồ đạc cần thiết mang theo, Người cho làm món thịt rang mặn Việt Minh theo công thức một thịt - một muối - một ớt. Như vậy đi tới đâu chỉ cần...
|
Tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng vì dân, vì nước, cùng với tính giản dị vĩ đại và sự khiêm tốn cao độ của Người được cả thế giới ca ngợi và khâm phục. Con người Hồ Chí Minh, từ lúc làm một thợ ảnh bình thường ở ngõ hẻm Compoint nước Pháp đến khi làm Chủ tịch nước Việt Nam, vẫn sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã từ câu nói, tác phong đến vật dụng, tư trang hằng ngày, từ bữa ăn đến cách sống hòa mình với nhân dân.
Thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng như các đồng chí khác phải ăn cháo bẹ, rau măng ròng rã. Khi đi công tác, ngoài những đồ đạc cần thiết mang theo, Người cho làm món thịt rang mặn Việt Minh theo công thức một thịt – một muối – một ớt. Như vậy đi tới đâu chỉ cần thổi cơm, tìm thêm rau xanh nấu canh, rồi bỏ “thịt” của nhà ra ăn là xong bữa. Cách nấu nướng như vậy rất tiện, cần nghỉ chỗ nào cũng được, khỏi phải vất vả mua bán ở dọc đường, lại tiết kiệm. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội làm việc ở Bắc Bộ Phủ, Bác cùng ăn cơm gạo đỏ, muối vừng với anh em văn phòng, bảo vệ, lái xe… mà không có sự ưu tiên nào khác. Tháng 6-1946, Bác sang thăm Pháp với tư cách khách mời của Chính phủ Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khách sạn, nhưng ngủ trên sàn, ăn sáng vào lúc sáu giờ, và tự giặt quần áo… Các đồng chí cùng đi thấy ngạc nhiên vì giữa thủ đô Pa-ri hoa lệ mà Bác vẫn giữ những thói quen ở trong nước. Nhưng sau đó thì ai cũng hiểu rằng, Bác muốn cho tất cả cùng theo Bác để tự kiềm chế mình trước mọi cám dỗ của cuộc sống xa hoa. Đồng thời, Bác cũng nhắc nhở mọi người rằng, nước ta còn nghèo, mà cái nghèo thì không phải dễ dàng nhanh chóng khắc phục, còn phải chịu đựng nó lâu dài, vậy thì sống giản dị, tiết kiệm là thói quen tốt, cần rèn luyện thường xuyên. Sự giản dị, phong thái ung dung ấy của Bác bắt nguồn từ một thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Nó kết hợp nhuần nhị những nét cao đẹp của tính cách dân tộc với đạo đức cộng sản. Nó có sức thu hút mạnh mẽ tình cảm mọi người và qua đó Bác càng trở nên vĩ đại.
Quay lại chiến khu, nơi chở che cho Bác suốt những năm dài kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc, là mái lán đơn sơ của cây rừng Việt Nam. Vượt qua những gian nan thiếu thốn, ở nơi đâu Bác cũng tạo nên một không khí bình thản, tự tại, một cuộc sống đầm ấm tình đồng chí. Lán của Bác ở, diện tích bằng khoảng hai chiếc chiếu, được làm bằng vật liệu sẵn có chung quanh như tre, luồng hoặc nứa, đủ cho Bác kê chiếc bàn nhỏ làm việc. Vật dụng trong lán chỉ có một chiếc ghế bằng gỗ tạp đủ để cái máy chữ, vài cuốn sách, tài liệu cần thiết, những thứ đồ dùng vặt như bút giấy, hòn đá cuội luyện gân tay… Di chuyển đến bất kỳ địa điểm nào, Bác cũng trồng rau, nuôi gà để cải thiện cuộc sống kham khổ. Cuối năm 1953, được tin quân và dân miền nam thắng trận ở U Minh, Đồng Tháp Mười, Tây Nguyên, Bác quyết định mở tiệc khao quân bằng món thịt gà luộc (được chặt ra làm 20 miếng đều nhau vừa đủ số người trong cơ quan), canh cải xanh, rau muống xào tỏi, xôi nếp, cơm tẻ đều là sản phẩm cơ quan tăng gia.
Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ở trong ngôi nhà Toàn quyền cũ vì tự nhủ mình là Chủ tịch một nước nghèo, chưa có quyền hưởng thụ. Bác quyết định chọn cho mình ngôi nhà của một người thợ điện, nơi mà mùa hè thì nhiệt độ cao hơn hẳn chung quanh, thiếu ánh sáng. Năm 1958, Trung ương quyết định xây nhà cho Bác, nhưng Bác đề nghị chỉ nên làm một căn nhà nho nhỏ theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Người đã từng ở trong những năm kháng chiến. Khác hẳn với công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế như Phủ Chủ tịch và các ngôi nhà xây dựng bằng những nguyên liệu bền vững như sắt, thép, xi-măng,… trong khu vực, ngôi nhà sàn của Bác được xây dựng bằng gỗ dổi bình thường, hai tầng, chung quanh có mành che, tầng dưới để thoáng. Tầng trên chỉ có những đồ dùng rất quen thuộc: chiếc giường đơn trải chiếu cói, cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế, trên bàn để đèn, lọ hoa, chiếc máy thu thanh, cái quạt nan, mấy quyển sách. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương Nghệ An, nơi Bác sinh ra và lớn lên. Trong hồ nước trước nhà sàn, Bác nuôi cá vừa cải tạo môi trường sống trong lành, cải thiện bữa ăn hằng ngày, vừa là một cách thư giãn thú vị sau giờ làm việc. Nhà sàn của Bác hòa hợp với thiên nhiên là thế đấy! Nó tạo ra nét bình dị gần gũi với mọi người dân Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc. Không chỉ nơi ở đơn sơ, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của Bác cũng thật giản dị. Đôi dép cao-su, Bác dùng đến mòn vẹt phải đóng đinh bao lần, đã theo Bác trên những nẻo đường Pác Bó, Điện Biên, trở về Thủ đô Hà Nội rồi lại theo Người đi thăm các nước anh em. Đôi dép đã góp phần tạo nên huyền thoại về một vị Chủ tịch nước dân chủ nhất thế giới như lời báo chí Ấn Độ đã từng ca ngợi. Rồi bộ quần áo lụa nâu, bộ quần áo ka-ki, đôi tất vá đến hai, ba lần. Chỉ khi đi ra nước ngoài Bác mới mặc áo sơ-mi và mới đồng ý may bộ quần áo dạ đen.
Quen nếp sống giản dị, đồ ăn thức uống của Bác cũng không cầu kỳ. Bác dạy cán bộ rằng, tiết kiệm của cải tức là quý trọng sức lao động của con người. Nếu làm ra mà tiêu phí, ăn xài hết thì việc lao động đó không có ý nghĩa, không thể làm được việc gì lớn. Bữa ăn thường ngày của Bác trong Khu Phủ Chủ tịch cũng không quá ba món: một bát canh, một món xào hoặc thịt luộc, cá quả hoặc cá bống kho gừng và không thể thiếu hương vị quê nhà là cà dầm tương hoặc đường ớt. Quý trọng công sức của nhân dân, trong bữa ăn, Bác không bao giờ để thừa, lãng phí. Đặc biệt, bữa ăn, Bác thường tự mình sắp xếp gọn gàng bát đĩa trên bàn để các đồng chí phục vụ đỡ vất vả khi thu dọn. Khi đi thăm các địa phương, Bác bảo anh em phục vụ chuẩn bị cơm mang theo, hễ lúc nào thuận tiện thì dừng lại ăn cơm. Với Bác, thăm các địa phương, đơn vị là để nắm tình hình thực tế và góp ý, nhắc nhở về các công việc, chứ không phải xuống dự tiệc tùng, gây tốn kém. Có tỉnh nọ, mặc dù đã được báo trước là Bác có mang cơm theo, nhưng vẫn sắm sửa cỗ bàn thịnh soạn. Khi được mời, Bác kiên quyết không ăn mà còn phê bình rất nghiêm khắc. Có thể dẫn ra nhiều câu chuyện về cách ăn uống tiết kiệm của Bác, thậm chí vào dịp liên hoan chào mừng Ngày thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh và đĩa cá. Bác thường nói khi mời cơm khách: “Chủ yếu là thật lòng với nhau”. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc năm 1965, Bác cương quyết đề nghị nhà bếp cho ăn cơm độn ngô như tất cả những người dân khác.
Trong tình hình kinh tế, chính trị của ta hồi đó, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất của nhân dân và cán bộ, đồng thời thể hiện tấm lòng chân thành của Bác, tấm lòng của một lãnh tụ muốn cùng chịu gian khổ với dân. Nhận xét về nếp sống giản dị của Bác, một tờ báo Pháp đã viết: “Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người chung quanh đều bắt chước hành động đó của ông…”. Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp. Người tiết kiệm nhưng không ki bo, keo kiệt, không lãng phí, phô trương. Ngày 15-7-1969, Charles Fournio – nhà báo Pháp cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến và kể rằng: “Khi nghe nói đến những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào ngày 19-5 sang năm), Hồ Chủ tịch đã tỏ ý không tán thành tất cả mọi biểu hiện chú ý đặc biệt đến Người và nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này, chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện và thư viện”.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, tu dưỡng mình, việc tưởng dễ nhưng lại rất khó. Dễ vì cách sống của Bác rất bình thường, đơn giản nếu quyết tâm thì ai cũng làm được. Còn khó vì nếu không có tâm trong sáng, không có chí hướng, không có nghị lực, không có lòng yêu thương con người thật sự thì không thể làm theo Bác Hồ được. Xã hội ngày nay đã phát triển hơn nhiều so với thời kỳ đất nước trong chiến tranh và bao cấp, mức sống chung của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Nên dù không cần phải đi dép cao-su, mang cơm nắm khi đi công tác như Bác Hồ, thì mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cũng không nên lãng phí, xa hoa, tiệc tùng, tiêu hoang công sản khi thi hành nhiệm vụ, gây phản cảm cho dư luận và tạo dựng hình ảnh xấu trong nhân dân. Vì vậy, thiết nghĩ để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật sự có kết quả thì mỗi chúng ta đều phải tự giác, tích cực điều chỉnh từ cách sống tiết kiệm và giản dị hằng ngày.
Theo Nhandan
Ý kiến ()