Học tập, làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ
(LSO) – Năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tự hào tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 – 4/11/2019) – người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất; lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Đây là dịp để các thế hệ ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc; tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, những cống hiến lớn lao, phẩm chất đạo đức của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Qua đó, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn, tự hào và trân trọng những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, tạo động lực to lớn trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu về ý nghĩa các tài liệu, hiện vật về đồng chí Hoàng Văn Thụ cho học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Ảnh: LA MAI
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 trong gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù, tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hoà, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng). Năm 1923, đồng chí được cha mẹ cho ra thị xã Lạng Sơn học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt. Trong thời gian học tại đây, đồng chí đã chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Những biến động đó đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng của người thanh niên yêu nước Hoàng Văn Thụ. Hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng chí đã giác ngộ lý tưởng cộng sản, được kết nạp Đảng, đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, trải qua nhiều hoạt động thực tiễn ở trong nước và nước ngoài, trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Trong suốt chặng đường 15 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại nhiều bài học quý báu; có những đóng góp quan trọng, có tính chất quyết định đối với đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Ðảng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Ðảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Bằng ý chí, nghị lực của người cộng sản, đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thường xuyên tự trau dồi, rèn luyện; luôn nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất. Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ nhân dân; luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.
Đồng chí là nhà lãnh đạo có tác phong dân chủ, gần gũi, hoà đồng với nhân dân, luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung. Thời gian bị giam cầm trong nhà tù Hoả Lò, đồng chí tỏ rõ nghị lực phi thường, ý chí quật cường, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất, có niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù. Đồng chí để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về xây dựng tình đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình, phương pháp đấu tranh xây dựng Đảng…
Trong bài “Ðạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Cộng sản, tháng 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong Ðảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Ðảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”. Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi là niềm tự hào của Ðảng ta, của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói riêng.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới – nơi địa đầu của Tổ quốc, là cửa ngõ phía Bắc giao lưu với quốc tế, nơi khởi nguồn của con đường huyết mạch xuyên Việt. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, Lạng Sơn luôn được xác định là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Con người Lạng Sơn luôn cần cù, chịu khó, năng động và sáng tạo trong lao động; nhân hậu và bình dị trong ứng xử; mạnh mẽ, kiên cường trong đấu tranh cách mạng.
Đoàn viên thanh niên trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn tìm hiểu về các tài liệu, hiện vật trong triển lãm chuyên đề “Hoàng Văn Thụ – sáng mãi tên anh. ” Ảnh: LA MAI
Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, với sự đoàn kết thống nhất trong Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, trong cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chia sẻ, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, đưa Lạng Sơn từ một tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trở thành một tỉnh có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đời sống nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm được đẩy mạnh; công tác đối ngoại ngày càng được mở rộng, có hiệu quả. Hệ thống chính trị không ngừng củng cố vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và lan tỏa sâu rộng, trở thành hành động tự giác của nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Qua đó, bước đầu ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận được giải quyết kịp thời, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, trong các tầng lớp nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, phê duyệt các nhiệm vụ trọng tâm của các đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, chỉ đạo UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm các sở, ngành, UBND cấp huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tạo đột phá, lan toả từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến trong từng năm; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng và giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Phát huy vai trò nêu gương của bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tạo được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong 20 chỉ tiêu chủ yếu, đã có 17 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt mục tiêu đại hội đề ra. Đến nay, toàn Đảng bộ có trên 771 tổ chức cơ sở đảng, có hơn 63 nghìn đảng viên, chiếm trên 8% dân số toàn tỉnh, đây thực sự là lực lượng hùng hậu và nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đang tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2020, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với tinh thần đồng lòng khắc phục khó khăn, không ngừng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết, toàn tỉnh tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ, du lịch, nông lâm nghiệp, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống nhân dân; tạo sự đột phá trong liên kết và hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng; củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tự hào về quê hương Lạng Sơn đã sinh ra người con ưu tú Hoàng Văn Thụ, với truyền thống cách mạng vẻ vang, với tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã và đang quyết tâm cùng với cả nước ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trích tham luận của Tỉnh uỷ Lạng Sơn tại Hội thảo Khoa học về đồng chí Hoàng Văn Thụ
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()