Nghiên cứu Dịch chiết từ lá vả: Giải pháp triển vọng trong bảo quản nông sản, thực phẩm
- Vả là loài cây có sẵn trong tự nhiên và được nhiều gia đình trồng làm cảnh. Trong lá vả có chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh, kháng khuẩn, kháng nấm có nhiều tác dụng trong bảo quản các loại nông sản. Tận dụng những ưu điểm đó, nhóm học sinh Trường THPT Tú Đoạn, huyện Lộc Bình gồm: Vinh Thị Lan Chi, Vi Thị Huyền Trang, học sinh Lớp 11D, dưới sự hướng dẫn của cô Nông Thị Thảo Hiền, giáo viên môn toán đã nghiên cứu và tạo ra dịch chiết từ lá vả để bảo quản hoa quả và rau củ.
Em Vinh Thị Lan Chi, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên nước ta có rất nhiều loại hoa quả, rau củ theo mùa. Tuy nhiên, khí hậu này cũng khiến các loại hoa quả, rau củ tươi nhanh hỏng hơn. Qua tìm hiểu thực tế đời sống, chúng em thấy rằng trong lá vả có chất chát, chất này có tác dụng kháng nấm, kháng men. Chính vì vậy, từ tháng 5/2023 đến tháng 5/2024, chúng em đã nghiên cứu và tạo dịch chiết từ lá vả để bảo quản hoa quả và rau củ.
Theo đó, nhóm đã tiến hành tìm hiểu các tư liệu về cây vả, quả vả và lá vả. Đồng thời, nghiên cứu tìm hiểu về các chất hóa học có trong lá vả. Nghiên cứu cho thấy, trong lá vả có chứa carotene; vitamin B2; vitamin C, kali, caxi, magiê, phốt pho, sắt… Đặc biệt, trong dịch chiết lá vả có chứa các hợp chất gồm: Tanin, saponin và flavonoid.
Trong đó, saponin, flavonoid là những hợp chất rất có lợi cho sức khỏe, chống oxy hóa mạnh; tanin có tác dụng chống lại sâu bệnh, sử dụng những hợp chất này có thể tạo ra sản phẩm kháng nấm, kháng men.
Nhóm tiến hành nghiên cứu, tạo ra dịch chiết từ lá vả để bảo quản hoa quả và rau củ bằng cách thu thập lá vả già trong tự nhiên, sau khi thu hái thì tiến hành sơ chế, loại bỏ bụi bẩn rồi rửa sạch, phơi trong bóng râm cho ráo nước. Lá vả được cắt thành sợi nhỏ rồi tiến hành sấy khô ở nhiệt độ 40 độ C, điều này giúp rút hết nước trong lá nhưng không làm mất đi những dược chất quý. Khi độ ẩm đạt đến 9% thì nghiền nhỏ thành bột mịn.
Có hai cách để tạo ra dịch chiết lá vả là ngâm trong nước cất và ngâm trong dung dịch cồn ethanol. Sau một thời gian nhất định thì tiến hành cô quay trong chân không rồi sử dụng giấy lọc để lọc lấy dịch chiết lá vả.
Sau khi tạo ra dịch chiết lá vả, nhóm nghiên cứu tiến hành các thí nghiệm trên nấm men và vi khuẩn gây bệnh thu thập từ men rượu và các loại quả bị hỏng. Kết quả cho thấy, dịch chiết lá vả có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm men rượu, nấm men đỏ, vi khuẩn gây bệnh thối nhũn.
Ứng dụng vào thực tế đời sống, nhóm nghiên cứu tiến hành phun dịch chiết lá vả ở nồng độ 20% lên các loại rau, củ, quả, thực phẩm trong đời sống hằng ngày như: bánh mỳ, chuối, đậu cô ve, quả cam... Kết quả, trong khi các loại bánh mỳ, rau, quả đối chứng đã thối, hỏng không thể sử dụng thì bánh mỳ, rau, quả được phun dịch chiết từ lá vả vẫn giữ được sự tươi ngon, không có nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập.
Đặc biệt, hai sản phẩm dịch chiết lá vả trong cồn và trong nước đều không sinh ra khí etylen nên không kích thích các loại quả chín nhanh hơn. Điều này rất có ý nghĩa trong việc kéo dài thời gian bảo quản các loại rau, quả nhất là quả chín. Lá vả không gây độc, có thể sử dụng như một loại thực phẩm nên dùng dịch chiết từ lá vả phun lên các loại rau, củ, quả không gây hại cho người sử dụng.
Cô Nông Thị Thảo Hiền, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Quá trình triển khai dự án, nhóm nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn như kinh phí nghiên cứu, làm kiểm định hạn chế; phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu; tôi là giáo viên môn toán trong khi nghiên cứu lại cần nhiều kiến thức chuyên sâu về hóa học... Vì vậy, cả cô và trò đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi cũng như thực hiện thí nghiệm. Tuy khó khăn nhưng các thành viên nhóm đều rất tích cực đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề. Nhờ đó, sản phẩm đã được nghiên cứu thành công.
Tại cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024, dự án dịch chiết từ lá vả để bảo quản hoa quả và rau củ được Ban giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng vào thực tiễn, dự án đã vượt qua hơn 100 sản phẩm và đạt giải khuyến khích. Tin rằng, thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để có thể đưa sản phẩm ra thị trường và ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Ý kiến ()