Học sinh trở lại trường: An toàn, hiệu quả là trên hết
Học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức sáng đầu tiên trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến – Ảnh: Gia Huy |
Từ ngày 6/12, tại Hà Nội, một nửa trong số hơn 82.000 học sinh lớp 12 theo học ở 236 trường trung học phổ thông và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã được trở lại trường, học trực tiếp thứ hai, tư, sáu. Những em còn lại đến trường thứ ba, năm, bảy. Vào những ngày không học trực tiếp, các em tiếp tục học online.
Những trường THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp thuộc địa bàn có cấp độ dịch 1 hoặc 2 được phép mở cửa, đón học sinh trở lại trường. Cùng với lớp 12, khoảng 36.000 học sinh lớp 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành tiếp tục học trực tiếp.
Tương tự, Đà Nẵng, Long An, Hải Dương, Yên Bái cũng cho học sinh một số khối lớp trở lại trường từ ngày 6/12.
Trước đó, nhiều tỉnh, thành khác đã rải rác tổ chức dạy và học trực tiếp, như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Trong khi đó, từ ngày 13/12, TPHCM thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho khối 9 và 12 đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Sau thời gian thí điểm việc tổ chức học tập trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và 12 (từ ngày 13/12 đến ngày 25/12), Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tổng kết, rút kinh nghiệm và tham mưu UBND TPHCM xem xét, quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Ở góc độ chuyên gia, các ý kiến đều khẳng định việc đưa học sinh trở lại trường học an toàn là cần thiết, theo tinh thần Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
TS.BS Trương Tấn Minh, Chủ tịch Hội Y tế công cộng tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo đó, nghị quyết này đã mở màn cho việc người dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học.
“Tùy thuộc tình hình dịch ở từng địa phương mà các tỉnh, thành phố linh hoạt các phương án đưa học sinh trở lại trường học. Trước hết là ưu tiên cho nhóm tuổi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, các khối lớp cuối cấp và khối lớp 1 có tính chất giáo dục đặc thù, sau đó tiếp tục thí điểm với các khối lớp khác. Mỗi địa phương lại có phương án riêng kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến và học qua truyền hình, với mục tiêu cao nhất là vừa bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh”, vị chuyên gia nhận định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Sái, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng khẳng định, Nghị quyết 128 của Chính phủ là bước đầu tiên quan trọng để Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới. Khi tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine của Việt Nam đã đạt trên 70% dân số thì giáo dục cũng cần bình thường mới. Học sinh trở lại trường không chỉ tốt hơn cho chính các em, mà phụ huynh cũng được “giải phóng” để tập trung vào công việc, vì sự phục hồi chung về kinh tế – xã hội.
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình
Cách xử lý nào phù hợp tình huống trường học xuất hiện F0 đang là băn khoăn của nhiều phụ huynh và giáo viên.
Về câu hỏi này, BS Trương Tấn Minh cho rằng, khi Việt Nam chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, số ca nhiễm COVID-19 tăng lên là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là số ca trở nặng và tử vong giảm xuống nhờ tiêm phủ vaccine. Đặc biệt, đối với các F0 không có triệu chứng hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ, nhiều địa phương cho điều trị tại nhà. Nhờ sự chăm sóc của gia đình, điều kiện sinh hoạt và thoải mái về tinh thần, hầu hết các F0 đều vượt qua.
Việc tiêm phủ vaccine cho người lớn cũng giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho trẻ. Các tỉnh, thành cũng đã và đang triển khai tiêm vacicne phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, do đó, nếu trẻ có mắc bệnh thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ với đa số trường hợp.
“Với tình hình dịch bệnh hiện nay, khi đón học sinh trở lại trường, nguy cơ dịch xâm nhập trường học là không loại trừ. Nếu cứ có F0 trong trường học lại phong tỏa tạm thời toàn trường, hay cách ly lớp học thì rất tốn kém và không cần thiết. Không thể mở cửa trường học vài bữa rồi lại nghỉ khi có ca nhiễm mới. Như vậy vừa gây tâm lý hoang mang cho học sinh và phụ huynh, vừa ảnh hưởng đến chuyện học hành của trẻ”, BS Trương Tấn Minh nói.
Theo quan điểm của vị chuyên gia, khi xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2, nhà trường nên giải quyết cục bộ, không cần phong tỏa diện rộng. Việc phong tỏa tạm thời cả lớp, một khu vực hay toàn trường sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác, trong đó có cả tăng nguy cơ lây nhiễm. Trường hợp học sinh là F0 thì có thể áp dụng cách làm tương tự như người lớn – cho cách ly, điều trị tại gia đình, trường hợp nặng thì vào viện điều trị.
Đối với những học sinh nhỏ tuổi, chưa chính ngừa mà bị mắc COVID-19, theo Chủ tịch Hội Y tế công cộng tỉnh Khánh Hòa, cần theo dõi tỷ lệ trở nặng, tỷ lệ tử vong ra sao… Trong quá trình điều tra dịch tễ học, nếu thấy trẻ nhiễm rồi hết bệnh, không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của các cháu, tỷ lệ tử vong rất thấp thì cũng nên mạnh dạn cho điều trị tại nhà như người lớn.
Đối với F1 – là những em tiếp xúc gần thì cũng theo dõi, cách ly tại nhà, còn các em còn lại tiếp tục đến trường.
“Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện tốt việc phong tỏa cực bộ khi có ca nhiễm. Mặc dù ca nhiễm tăng nhưng nhờ phong tỏa cục bộ nên số ca trở nặng không nhiều, tử vong giảm đi so với trước đây. Vấn đề còn lại là củng cố hệ thống y tế từ xã đến huyện, tỉnh thật tốt, đồng thời làm thế nào để người dân phối hợp với chính quyền cùng chăm lo, điều trị cho bệnh nhân COVID-19”, BS Trương Tấn Minh nói.
Chủ tịch Hội Y tế công cộng tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, giờ là lúc phụ huynh và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng các cơ quan để đảm bảo học sinh trở lại trường an toàn và hiệu quả.
“Ở giai đoạn này, phụ huynh cần chú ý chăm sóc sức khỏe của con. Hàng ngày, trẻ đi học về thì dùng nước muối sinh lý bơm rửa mũi nhẹ nhàng, súc họng, nếu có dính virus trong các niêm mạc thì nước mũi sẽ làm giảm bớt.
Trẻ sốt hay sổ mũi thì phải theo dõi, phụ huynh có thể mua sẵm bộ kit test COVID-19, nếu nghi ngờ thì có thể tự xét nghiệm cho con ở nhà, trường hợp dương tính thì báo cho địa phương biết. Đó là cách theo dõi tốt nhất, vừa phát hiện sớm để cách ly, điều trị cho con, vừa tránh lây nhiễm cho người khác”, BS Trương Tấn Minh lưu ý.
Ý kiến ()