Học sinh THCS xã Xuân Long: Tạo bộ bàn ghế thông minh từ vật liệu tái chế
– Từ những thùng sơn bỏ đi, nhóm học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Xuân Long, huyện Cao Lộc đã tạo ra bộ bàn ghế đẹp mắt với bàn xoay, thiết thực trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023, sản phẩm bộ bàn ghế thông minh từ vật liệu tái chế xuất sắc đoạt giải nhì và là 1 trong 4 sản phẩm được lựa chọn tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2023.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Xuân Long trang trí mặt bàn được tạo ra từ thùng sơn
Cô Lành Thị Châm, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Xuân Long cho biết: Năm học 2022 – 2023, nhà trường được tặng 30 thùng sơn để sơn lại trường. Sau khi dùng hết sơn, nhà trường có định hướng cho các lớp nghiên cứu, tận dụng những thùng sơn này vào việc có ích. Sau khi nghiên cứu, các học sinh lớp 8 đã đề xuất tạo ra một bộ bàn ghế từ những thùng sơn bỏ đi này.
Triển khai ý tưởng bộ bàn ghế thông minh từ vật liệu tái chế, tháng 3/2023, nhóm học sinh lớp 8 gồm: Lò Thị Hoa, Liễu Mạnh Hùng, Hoàng Văn Thuận, Hứa Thị Thanh Mai đã bắt tay vào triển khai thực hiện. Nguyên liệu để tạo ra bộ bàn ghế thông minh từ vật liệu tái chế bao gồm: thùng sơn cũ, nắp thùng sơn, vải thô, bông, dây thừng, cúc áo, keo nến, súng bắn keo, đĩa phanh xe máy, nắp côn xe máy, ốc vít, vòng bi, gỗ ép, mặt bàn đã hỏng, vít gỗ, bản lề, sơn… Thùng sơn cọ sạch, để khô sau đó dùng dây thừng phủ kín mặt ngoài, trang trí theo ý muốn. Tạo một chiếc gối hình tròn từ vải thô vừa với nắp thùng sơn. Đính một chiếc cúc ở tâm gối nhằm giúp bông được giàn đều, tạo mặt phẳng ổn định rồi gắn lên nắp thùng sơn để tạo ra những chiếc ghế ngồi.
Bàn xoay được thiết kế gồm 2 tầng, tầng 1 cố định, tầng 2 có thể xoay tròn. Trục xoay của bàn được tạo ra bằng cách lắp ráp nắp côn xe máy, vòng bi và đĩa phanh xe máy đã hỏng lại với nhau. Trục xoay có thể khóa, mở bằng ốc vít theo nhu cầu của người sử dụng. Gắn mặt bàn lên trục xoay là hoàn thành phần mặt bàn xoay. Gắn một số nắp thùng sơn với nhau bằng ốc vít để tạo thành một mặt bàn phụ phía dưới của bàn xoay. Dùng ốc vít gắn tầng 1, 2 của mặt bàn vào 3 thùng sơn để tạo thành một chiếc bàn hoàn chỉnh, có thể trang trí mặt bàn theo sở thích.
Em Lò Thị Hoa, Trưởng nhóm thực hiện ý tưởng cho biết: Bộ bàn ghế thông minh từ vật liệu tái chế mà chúng em tạo ra từ thùng sơn có thể dùng làm bàn uống nước, bàn ăn trong gia đình. Trên những thùng sơn làm chân bàn, chúng em thiết kế những ô cửa để tạo thành ngăn chứa đồ dùng cần thiết như phích nước, trà, ấm chén… Những chiếc ghế cũng có thể mở ra, đóng lại dễ dàng, người dùng có thể chứa đồ trong đó.
Sau khi hoàn thành, bộ bàn ghế thông minh từ vật liệu tái chế được đặt tại văn phòng của trường để dùng thử. Sau 1 tuần dùng thử nghiệm cho thấy, bộ bàn ghế chắc chắn, hình thức đẹp mắt. Tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023, sản phẩm bộ bàn ghế thông minh từ vật liệu tái chế đoạt giải nhì, đây cũng là 1 trong 4 sản phẩm, dự án được lựa chọn tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2023.
Hiện nay, đồ nhựa dùng một lần như túi nilon, bát, thìa nhựa, chai nhựa, thùng sơn… được sử dụng phổ biến nhưng lại chưa có giải pháp cụ thể để xử lý sau khi sử dụng. Việc tận dụng những thứ bỏ đi như thùng sơn, đĩa phanh xe máy, gỗ ép… để tái chế thành đồ dùng hữu ích vừa góp phần hạn chế rác thải nhựa vừa góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng những kiến thức đã học để tạo ra những vật dụng hữu ích từ rác thải.
Ý kiến ()